Con tôi ‘trúng cử’ chức tổ trưởng trong nỗi lo ngút ngàn bởi việc học ở ngôi trường có bề dày thành tích áp lực vô cùng. Chưa có điện thoại nên khó kết nối các bạn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đó là lý do con xin cô giáo chủ nhiệm mới đổi tổ trưởng đầu năm học.
Chỉ mới mấy tuần học nhận nhiệm vụ quản lý một tổ đội mười thành viên mà con gái tôi ngày càng bộc lộ sự nhún nhường và… bất lực. Con gặp khó khăn mỗi lúc phân việc mỗi bài tập nhóm rồi bị phản bác chia việc nặng – nhẹ chẳng đều nhau.
Con vất vả nhắc nhở bạn này, đốc thúc bạn kia hoàn thành phần việc cá nhân và không ít lần là người cuối cùng chực chờ bên máy tính đợi nhận bài gộp vào nhóm. Điểm nhóm chỉ cần kết quả chưa như ý thì tổ trưởng là con phải hứng lấy chỉ trích đầu tiên…
Đỉnh điểm của câu chuyện là lúc tổ con phụ trách nhiệm vụ vệ sinh lớp học, hành lang trong vòng một tuần. Phân công nhiệm vụ cho thành viên tổ rõ ràng từ cuối tuần trước, thế mà suốt ba ngày đầu tuần các bạn cứ đi muộn, vệ sinh trễ, lớp học trang trí chưa chỉn chu, cuối buổi vẫn còn rác trong giỏ khiến lớp con bị trừ điểm thi đua. Cô giáo chủ nhiệm trách phạt tổ con thêm một tuần vệ sinh lớp.
Tôi nhắc con gái vào nhóm tổ, phê bình thẳng thắn các bạn chưa hoàn thành nhiệm vụ để cả tổ chịu phạt. Con lại ngần ngừ và năn nỉ: “Đừng nữa mẹ…”. Con lo các bạn ghét mình. Con sợ các bạn đánh giá mình khắt khe và thích thể hiện. Cứ lo và sợ thế nên giải pháp con chọn lựa là: đi sớm mỗi ngày lo nhiệm vụ vệ sinh lớp.
Bản tính sợ đụng chạm, ngại va chạm với bạn bè theo con lên cấp trung học, trong môi trường học tập mang tính cạnh tranh cao và đối diện với các bạn đồng trang lứa giỏi năng lực, mạnh cá tính, tôi nhận ra con ngày càng “đuối” khi chỉ mới quản lý một tổ đội khoảng chục thành viên. Bản tính xuề xòa trong ứng xử, ngại mất lòng bạn bè khiến con nhút nhát hẳn đi.
Con tôi đã thôi chức tổ trưởng. Tôi luôn dạy con trong cuộc sống phải luôn đương đầu với mọi khó khăn. Nhưng tôi cũng nhận ra biết dừng lại khi thấy mình không phù hợp cũng là một sức mạnh cần được ủng hộ.