Điều này được nêu tại tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại các tỉnh thành phía Nam” ở TP.HCM và trực tuyến 20 điểm cầu mới đây.
Chương trình do Ban công tác phía Nam (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) tổ chức cùng chia sẻ giải pháp đồng hành, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp nâng cao quyền năng kinh tế thời gian tới. Câu hỏi đặt ra là làm sao hỗ trợ phụ nữ vượt qua nhiều hạn chế tiến đến toàn cầu hóa?
Khởi nghiệp đóng góp an sinh xã hội cao
Bà Trần Thị Huyền Thanh – trưởng Ban công tác phía Nam – cho biết giai đoạn 2017-2023, tổ chức Hội các tỉnh thành phía Nam đã đa dạng hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp về nguồn lực, kỹ thuật cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Điều này làm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, nâng cao vị thế phụ nữ và đóng góp vào sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương. Song vẫn còn một số hạn chế dẫn đến hiệu quả chưa cao như việc phối hợp, xây dựng mạng lưới chưa chặt chẽ, cơ sở dữ liệu còn bất cập, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ khó vay vốn.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc – viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội, quá trình toàn cầu hóa tạo ra cơ hội mới cho phụ nữ tiếp cận thị trường quốc tế, mở rộng mạng lưới kinh doanh, cho phép họ khởi nghiệp với chi phí thấp hơn và tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả qua các nền tảng trực tuyến.
Tại Việt Nam, xu hướng này được phản ánh rõ nét qua số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tăng từ 21% (năm 2011) lên 24% (năm 2021). Nhiều nữ doanh nhân Việt Nam đã khởi nghiệp thành công tạo ra giá trị tích cực cho cộng đồng. “Khi phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế, đóng góp xã hội của họ còn cao hơn nam giới, đặc biệt là an sinh xã hội, gia đình. Phụ nữ khởi nghiệp giúp tận dụng nguồn lực chưa được khai thác”, ông Lộc nói.
Tuy nhiên thực tế vẫn còn tồn tại những khó khăn như khó tiếp cận vốn, hạn chế kỹ năng quản lý và môi trường kinh doanh. Do đó theo ông Lộc, cần tăng cường hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh.
Phụ nữ đóng góp vào sự thịnh vượng của khu vực và là một đầu tư cho tương lai. Sự tham gia tích cực của phụ nữ vào nền kinh tế ở mọi cấp độ bao gồm cả ở mức đưa ra quyết định trong Chính phủ và các doanh nghiệp sẽ mang lại những lợi ích cho xã hội.
(trích Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC)
Phát triển kinh tế xanh, cách nào?
Trước bài toán về biến đổi khí hậu môi trường toàn cầu, thạc sĩ Nguyễn Hữu Nam – phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI khu vực TP.HCM) – cho rằng kinh tế xanh là xu hướng tất yếu, tạo nên luật chơi mới cho các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Nam nói khi tham gia vào cuộc chơi toàn cầu, các doanh nghiệp không có cách nào khác ngoài tuân thủ và thực hiện các cam kết của Việt Nam cũng như những yêu cầu tại thị trường nhập khẩu. Cạnh đó, xu hướng tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phát thải thấp và sản phẩm thân thiện môi trường, đặc biệt tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… cũng sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp.
“Những doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi xanh sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường khó tính, mặc dù việc chuyển đổi xanh là bài toán không dễ. Các doanh nhân nữ cần chủ động và tiên phong hơn nữa trong việc phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải thấp gắn với chuyển đổi số. Cần xem đây vừa là mục tiêu vừa là đòn bẩy dẫn dắt cho phát triển bền vững trong xu thế toàn cầu hóa”, ông Nam phân tích.