Theo Hãng tin AP, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cử một nhóm các chuyên gia bao gồm các nhà dịch tễ học và bác sĩ lâm sàng đến khu vực Panzi, tỉnh Kwango, phía nam Congo để cung cấp thuốc và bộ dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, để hỗ trợ địa phương xác định nguyên nhân gây bệnh lạ.
Nhóm này cũng hợp tác với các nhà lãnh đạo cộng đồng để tăng cường giám sát và thúc đẩy phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
“Chúng tôi đang nỗ lực để xác định nguyên nhân gây bệnh, hiểu rõ các con đường lây truyền và đảm bảo triển khai các hoạt động ứng phó thích hợp nhanh nhất có thể”, tiến sĩ Matshidiso Moeti, giám đốc khu vực châu Phi của WHO, cho biết trong một tuyên bố hôm 6-12.
Theo Hãng tin AP, các chuyên gia dịch tễ học từ đội phản ứng nhanh cấp quốc gia của Congo đang có mặt tại khu vực tập trung nhiều ca bệnh để lấy mẫu xét nghiệm và điều tra về bệnh lạ này.
Bộ trưởng Y tế Congo Roger Kamba cho biết chính quyền Congo đã xác nhận 71 trường hợp tử vong, bao gồm 27 người tử vong tại bệnh viện và 44 người tử vong trong cộng đồng ở khu vực tỉnh Kwango.
Các ca tử vong được ghi nhận từ ngày 10 đến ngày 25-11 tại trạm y tế Panzi của tỉnh Kwango. Theo Bộ trưởng Kamba, có khoảng 380 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh, trong đó gần 200 ca trong số các ca nhiễm bệnh là trẻ em dưới 5 tuổi.
Trong khi đó, theo Hãng tin AP, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi lại ghi nhận số ca mắc bệnh lạ là 376 ca, trong đó có 79 ca tử vong.
Trước đó thông tin cho biết có tới hơn 140 ca tử vong. Lãnh đạo CDC châu Phi Jean Kaseya cho biết sự khác biệt về số liệu đến từ vấn đề theo dõi và ghi nhận ca bệnh. “Những chẩn đoán đầu tiên khiến chúng tôi nghĩ rằng đây là bệnh về đường hô hấp. Tuy nhiên, chúng tôi cần phải đợi kết quả xét nghiệm”, bác sĩ Kaseya giải thích.
Được biết, các triệu chứng của bệnh lạ này khá giống với các loại bệnh về đường hô hấp thông thường như sốt, đau đầu, ho và thiếu máu.
Trạm y tế Panzi nằm ở khu vực xa xôi, hẻo lánh của tỉnh Kwango, cách thủ đô Kinshasa của Congo khoảng 700km khiến việc tiếp cận điều tra về bệnh lạ khá khó khăn.
Bộ trưởng Y tế Kamba tiết lộ các chuyên gia dịch tễ học phải mất hai ngày đường để đến được khu vực tập trung nhiều ca bệnh.
Giám đốc Viện Y tế công cộng quốc gia Congo Dieudonné Mwamba xác nhận do Trạm y tế Panzi không đủ điều kiện, nên các mẫu xét nghiệm phải được chuyển đến khu vực Kikwit, cách Panzi hơn 500km.
Theo lời ông Mwamba, Panzi là khu vực “yếu ớt” với 40% cư dân bị suy dinh dưỡng. Nơi này cũng đã bị ảnh hưởng bởi một trận dịch sốt thương hàn cách đây hai năm, và hiện đang có dấu hiệu bệnh cúm theo mùa bùng phát trở lại.
Nhiều nước nâng cao cảnh giác trước bệnh lạ
Ngày 6-12, Bộ Y tế Thái Lan đã phát cảnh báo đến tất cả các đơn vị trực thuộc bộ này, yêu cầu nâng cao cảnh giác về đợt bùng phát dịch bệnh lạ ở Congo.
Ông Opas Kankawinpong, thư ký thường trực của Bộ Y tế Thái Lan, cho biết tất cả các cơ quan y tế ở địa phương đã được yêu cầu theo dõi chặt chẽ lộ trình di chuyển của người dân, cũng như thường xuyên cập nhật tình hình về dịch bệnh này, mặc dù Thái Lan được xem là quốc gia có nguy cơ bị lây truyền “bệnh lạ” thấp.
Cũng theo ông Opas, mục tiêu chủ yếu là các trạm kiểm tra y tế ở các cửa khẩu và các sân bay.
Sân bay quốc tế Hong Kong đã thắt chặt các biện pháp kiểm tra đối với tất cả các chuyến bay trung chuyển ở châu Phi từ hôm 5-12. Tại Nhật Bản, Bộ Ngoại giao nước này cũng khuyến cáo mọi người không nên đi du lịch nếu không cần thiết đến khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.