Có thể nói mấy ngày qua giới khoa học – công nghệ thế giới đã chú ý nhiều hơn đến Việt Nam khi những bộ não hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) đều tề tựu tại Hà Nội.
Đó là ông Yann LeCun, người được mệnh danh là một trong những cha đẻ của AI và học sâu (deep learning). Đó còn là nhà sáng lập kiêm chủ tịch Tập đoàn Nvidia Jensen Huang và giáo sư Yoshua Bengio, “người cha” còn lại của AI.
Đây cũng là ba trong số năm chủ nhân Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD của Giải VinFuture 2024 vừa khép lại tối 6-12.
Sau đêm trao giải đầy cảm xúc, ngày 7-12, ông Yann LeCun – hiện là giám đốc khoa học AI tại Tập đoàn Meta – đã có những trao đổi với Tuổi Trẻ Online về sự phát triển của AI tại Việt Nam.
* Việt Nam đang theo đuổi mục tiêu xây dựng cả hệ sinh thái AI và hệ sinh thái bán dẫn. Lời khuyên của ông để Việt Nam thành công và vượt qua các thách thức là gì?
– Trong cuộc gặp với Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 6-12, tôi đã được hỏi một câu như vậy và khuyến nghị chính của tôi là đầu tư vào nghiên cứu, giáo dục cũng như nắm bắt các nền tảng nguồn mở.
Thực tế cho thấy ở một mức độ nhất định, Việt Nam đã đi trước nhiều quốc gia khác khi Bộ Thông tin và Truyền thông xác định chiến lược công nghệ của Việt Nam là dựa trên mã nguồn mở và công nghệ mở. Đây là chiến lược khả thi nhất, đặc biệt đối với AI.
AI sẽ trở thành một loại cơ sở hạ tầng, một cơ sở hạ tầng truyền thông, rất giống với Internet được xây dựng trên phần mềm nguồn mở.
Vì vậy, Việt Nam nên đóng vai trò quan trọng để tạo ra những mô hình đưa AI đến giới hạn, một mô hình sẽ được đào tạo với tất cả dữ liệu trên thế giới, với tất cả các ngôn ngữ trên thế giới, tất cả các nền văn hóa và giá trị của thế giới.
Điều đó không thể được thực hiện bởi một công ty, một tổ chức hay một quốc gia.
Việt Nam cùng với Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ nên hình thành quan hệ đối tác quốc tế để đào tạo một mô hình nền tảng AI như vậy.
* Ông đánh giá thế nào về mục tiêu kép của Việt Nam khi theo đuổi cùng lúc bán dẫn và AI? Liệu Việt Nam có thể trở thành “ngôi nhà của thế giới” khi nói đến các trung tâm dữ liệu AI được không?
– Rõ ràng nếu muốn phát triển công nghệ AI vượt bậc hơn hoặc có những đóng góp ý nghĩa cho việc nghiên cứu AI, Việt Nam cần các trung tâm dữ liệu tập trung vào AI sử dụng các bộ xử lý GPU.
Theo như tôi biết, vừa qua Việt Nam đã có một số thỏa thuận được công bố với Nvidia, liên quan trung tâm R&D và trung tâm dữ liệu AI. Trung tâm dữ liệu là một thành phần rất cần thiết bởi ta không thể làm gì với AI nếu không có nó.
Sẽ mất rất nhiều công sức và tiền bạc, nhưng đó là khoản đầu tư cần thiết và tiên quyết.
Việc theo đuổi một hệ sinh thái về bán dẫn, từ phần cứng đến phần mềm sẽ tạo ra lợi thế khi nắm bắt được toàn bộ chuỗi.
Một trong những thách thức lớn trong vài năm tới là liệu chúng ta có giảm chi phí vận hành các tác vụ hỗ trợ liên quan AI được không. Việc vận hành một trợ lý AI thực sự rất tốn kém khi tính toán và để phục vụ 100 triệu dân số Việt Nam, bạn cần nó phải rất rẻ.
Để làm được điều đó, bạn cần các phần cứng chuyên dụng có thể chạy việc này rất hiệu quả. Đó là lĩnh vực Việt Nam sẽ cho thấy vai trò của mình. Không chỉ riêng phần cứng mà các chương trình, phần mềm cấp thấp cũng cần thiết để chạy mô hình AI nguồn mở và các ứng dụng.
* Theo ông, vì sao các tập đoàn lớn quyết định đầu tư vào phát triển AI tại Việt Nam và Chính phủ cần làm gì để thu hút nhiều hơn nữa những “đại bàng” này?
– Tôi nghĩ có một lý do chính để các công ty thành lập các trung tâm kỹ thuật hoặc trung tâm nghiên cứu ở một quốc gia. Đó là sự hiện diện của nhân tài, nhưng nó không sẵn có, mà bạn phải tạo ra họ.
Lập ra các phòng lab, thúc đẩy sinh viên tìm hiểu và học tập chăm chỉ để kiếm được việc làm trong những phòng thí nghiệm đó là một cách hữu hiệu. Càng nhiều sinh viên có trình độ về lĩnh vực này thì các công ty nước ngoài càng cảm thấy hấp dẫn để thành lập các trung tâm phát triển và bạn sẽ càng có thêm nhiều nhân tài.
* Cảm ơn ông!
Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái AI và bán dẫn quy mô khu vực
Tiếp Chủ tịch Nvidia Jensen Huang ngày 6-12, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ mong muốn tập đoàn tiếp tục đồng hành với Việt Nam để phát triển hệ sinh thái AI, đẩy mạnh tính tự lực tự cường công nghệ.
Ông khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam coi Nvidia là đối tác chiến lược hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn và AI, cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nội dung hợp tác giữa hai bên được triển khai hiệu quả.
Ngày 21-9-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và Chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Trước đó năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cũng ký ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
Tại một hội thảo đầu tháng 10-2024 về AI và bán dẫn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã hình thành một hệ sinh thái bán dẫn, trí tuệ nhân tạo có quy mô lớn trong khu vực, với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn như Google, Meta, Qualcomm, Intel, Nvidia, AMD và rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành điện tử.