Cuộc tọa đàm “Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại” là diễn đàn quốc tế quy tụ những nhà khoa học hàng đầu cùng với các nhà nghiên cứu trong nước kết nối và cùng bàn luận về tương lai của ngành công nghiệp bán dẫn đang bùng nổ trên toàn cầu. Đây cũng là sự kiện chính thức mở màn cho Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture với lễ trao giải thưởng VinFuture năm 2023.
Là “huyết mạch” của nền kinh tế số, ngành bán dẫn được dự báo có thể mang lại doanh thu hơn 620 tỉ USD vào năm 2024 và tăng mạnh lên 1.000 tỉ USD vào năm 2030, theo Gartner – công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ hàng đầu thế giới. Ngành này cũng được xem là phần cốt lõi trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc trong thế kỷ 21.
Trong bối cảnh đó, tọa đàm “Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại” được kỳ vọng sẽ mang đến những thảo luận chuyên sâu về những định hướng nghiên cứu, ứng dụng và tiềm năng phát triển chip bán dẫn đối với toàn cầu nói chung và đối với Việt Nam nói riêng.
Dưới sự chủ tọa của GS Richard Henry Friend, chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture, nguyên giám đốc Trung tâm Maxwell thuộc Đại học Cambridge (Vương quốc Anh), cuộc tọa đàm khoa học quy tụ những nhà khoa học tên tuổi của ngành bán dẫn thế giới như GS Teck-Seng Low, phó chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS); GS Nguyễn Thục Quyên, Đại học California, Santa Barbara (Hoa Kỳ), GS Albert Pisano, hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Jacobs thuộc Đại học California, San Diego (Hoa Kỳ), TS Sadasivan Shankar, Đại học Stanford (Hoa Kỳ), GS Vivian Yam, và GS Philip Wong Wilson Wong, Đại học Hong Kong (Trung Quốc)…
Bán dẫn, cuộc đua lớn trên toàn cầu
GS Richard Henry Friend từ Đại học Cambridge (Vương quốc Anh), chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture, đồng thời là chủ tọa của phiên thảo luận, nhấn mạnh lĩnh vực bán dẫn rất rộng và đa dạng. Nguyên tắc là chip có kích thước càng nhỏ thì sẽ càng tiết kiệm năng lượng.
Gần đây đã có một bước tiến công nghệ đáng kể nhờ vào việc thay đổi nguồn sáng (light source), giúp các nhà khoa học thiết kế được các con chip có kích thước rất nhỏ. Điều này đã tạo ra một sự bất ngờ lớn cho thế giới sản xuất linh kiện bán dẫn.
“Chung sức Toàn cầu” là chủ điểm của Giải thưởng VinFuture năm 2023 thể hiện mục tiêu đề cao tầm quan trọng của sự hợp tác toàn cầu để làm nên những công nghệ đột phá có tác động trên diện rộng.
Những công trình sẽ được trao giải thưởng VinFuture mùa ba được lựa chọn từ 1.389 hồ sơ đề cử, đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp năm châu lục.
Theo GS Teck-Seng Low (phó chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore), hiện nay trên toàn thế giới đang diễn ra cuộc đua thu nhỏ kích thước của chip bán dẫn. Chip đã được sản xuất với kích thước giảm dần từ 9nm, 7nm, 5nm, rồi 3nm. Những con chip đã nhỏ, nay còn nhỏ hơn, được dự đoán sẽ còn thống trị và cải thiện nhiều hơn nữa các lĩnh vực trong cuộc sống.
Cũng theo GS Richard, một cuộc đua khác đang diễn ra trong ngành bán dẫn, đó chính là cuộc đua tìm kiếm các nguồn năng lượng xanh và sạch hơn giúp quá trình nghiên cứu sản xuất thân thiện hơn với môi trường.
“Làm cách nào để vừa tăng hiệu quả sản xuất mà vẫn đóng góp vào việc giảm lượng phát thải ròng bằng ‘0‘ thật sự rất quan trọng, và không thể có một câu trả lời đơn giản cho vấn đề này”, GS Richard Henry Friend đánh giá.
Nhân lực sẽ quyết định năng lực Việt Nam gia nhập “đường đua” bán dẫn
Ngoài khía cạnh kỹ thuật, tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia cũng đã thảo luận về định hướng dành cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, giúp xây dựng chiến lược phù hợp để phát triển các ngành công nghiệp bán dẫn trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Theo GS Teck-Seng Low, Singapore đã từng bước xây dựng công nghiệp bán dẫn từ việc học hỏi mô hình của Đài Loan đến xây dựng chiến lược quốc gia bao gồm việc xây dựng hệ sinh thái đủ sức thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán dẫn, đặc biệt thu hút các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới đầu tư xây dựng nhà máy. Đồng thời đầu tư bài bản cho nghiên cứu phát triển, bao gồm việc xây dựng các phòng nghiên cứu, thí nghiệm, tăng cường năng lực nghiên cứu cho các trường đại học, đào tạo nhân lực…
Nhưng GS Teck-Seng Low cũng cho rằng từ kinh nghiệm của Singapore, nguồn lực đầu tư từ nhà nước đóng vai trò quan trọng. Đồng thời phải xây dựng các doanh nghiệp mạnh trong nước, bao gồm cả các doanh nghiệp khởi nghiệp để tạo ra nội lực cho ngành công nghiệp bán dẫn của một quốc gia.
“Hằng năm Singapore chi 5 tỉ USD cho nghiên cứu, nhưng số tiền này sẽ trở nên vô ích nếu chúng tôi không có nhân lực tài năng để phát triển. Vì vậy, chiến lược thu hút nhân lực giỏi trong lĩnh vực bán dẫn là yếu tố tiên quyết khi các bạn muốn bắt tay thực sự vào việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ này“ – ông nêu rõ.
Nhấn mạnh chìa khóa cho phát triển công nghiệp bán dẫn là tài chính và nhân lực, ông cũng đề xuất Việt Nam nên bắt đầu công nghiệp bán dẫn với những khoản đầu tư hợp lý cho nghiên cứu, hợp tác với các mô hình khởi nghiệp…
Cùng quan điểm này, GS Vivian Yam đến từ Trường đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng đối với công nghiệp bán dẫn, nguồn lực ban đầu, bao gồm cả tài chính và con người đều rất quan trọng. Việt Nam có thể bắt đầu công nghiệp bán dẫn với quy mô nhỏ và Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ vào các trường đại học để chuẩn bị nguồn lực.
GS Nguyễn Thục Quyên, Đại học California, Santa Barbara (Hoa Kỳ) cũng nhấn mạnh: Các trường đại học trong nước cần đào tạo ra nguồn nhân lực cao cho bán dẫn. Việt Nam hiện đang thiếu nguồn nhân lực cao này, cần tạo điều kiện cho các sinh viên vừa học vừa thực hành tại doanh nghiệp.
TS Sadasivan Shankar (Quản lý Nghiên cứu – phát triển công nghệ tại Phòng thí nghiệm máy gia tốc quốc gia SLAC, Đại học Stanford, Hoa Kỳ) hiện đang giảng dạy tại nhiều trường đại học hàng đầu thế giới. Ông là người khởi xướng và lãnh đạo chương trình Thiết kế vật liệu tại Intel từ năm 2006 giúp tối ưu hóa quá trình thiết kế chất bán dẫn và tính hiệu suất năng lượng.
Với kinh nghiệm của mình trong cả hai lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu, ông cho rằng: “Những cá nhân sáng tạo, khi được trang bị kiến thức và kỹ năng đúng đắn có thể đối mặt và giải quyết những thách thức phức tạp. Đặc biệt, thế hệ trẻ thường có lý tưởng và tư tưởng lạc quan, khiến họ trở thành một nguồn tài nguyên quý báu của quốc gia”.
Không chỉ là sự kiện thường niên được giới khoa học mong đợi vào mỗi dịp cuối năm, Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture nói chung và chuỗi tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống” nói riêng đã trở thành một diễn đàn của giới khoa học, công nghệ toàn cầu. Các hoạt động trong Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture quy tụ được nhiều nhà khoa học tên tuổi trên thế giới, mang tới cho cộng đồng các nhà nghiên cứu Việt Nam thêm cơ hội trao đổi, thảo luận về những xu hướng nghiên cứu mới, các công nghệ đang dẫn dắt sự phát triển và các nhân tố đột phá sẽ thay đổi thế giới.
Trong khuôn khổ Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture 2023 sẽ diễn ra chuỗi tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống” với bốn phiên theo các chủ đề “nóng” nhất hiện nay với toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Các cuộc tọa đàm diễn ra trong hai ngày 18 và 19-12 bao gồm:
– Công nghệ bán dẫn, nền tảng của thế giới hiện đại
– Thúc đẩy miễn dịch học chính xác để điều trị các bệnh rối loạn tự miễn
– Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh
– Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức
Bên cạnh đó, chuỗi đối thoại khám phá khoa học tương lai VinFuture – các hoạt động kết nối, chia sẻ tri thức giữa các nhà khoa học hàng đầu thế giới với cộng đồng khoa học trong nước – sẽ diễn ra đồng thời ở các trường đại học hàng đầu của Việt Nam trong ngày 19-12.
Ngay sau lễ trao giải thưởng VinFuture diễn ra vào tối 20-12, vào chiều 21-12, tại Trường đại học VinUni, các nhà khoa học giành giải thưởng sẽ chia sẻ với cộng đồng các nhà khoa học trẻ của Việt Nam, sinh viên, các doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp… về các công trình nghiên cứu của họ, mục tiêu nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề mà hành tinh của chúng ta đang phải đối mặt.