Cuộc đua công nghệ chip: Các ông lớn xài vũ khí gì?

Ông Patrick Gelsinger (phải), CEO của Intel, phát biểu trong sự kiện ra mắt các chip mới ở New York, Mỹ hôm 14-12 – Ảnh: BLOOMBERG

Ngày 14-12, Tập đoàn Intel (Mỹ) đã trình làng các chip máy tính mới, trong đó có Gaudi3 – chip AI dành cho các phần mềm AI tạo sinh. Intel sẽ tung ra Gaudi3 vào năm tới để cạnh tranh với các chip AI của hai đối thủ là Hãng công nghệ Nvidia (Mỹ) và Công ty bán dẫn AMD (Mỹ).

Chip AI – ngôi sao năm 2024?

Hiện nay các mô hình AI nổi bật nhất, như ChatGPT của OpenAI, đang chạy trên GPU (đơn vị xử lý đồ họa) của Nvidia. Điều này giúp cổ phiếu Nvidia tăng gần 230% từ đầu năm đến nay, trong khi cổ phiếu Intel tăng thấp hơn (68%).

Để giành thị phần với Nvidia, AMD và Intel cũng đã phát triển những con chip mà họ hy vọng sẽ thu hút các công ty AI. Intel đã chế tạo chip Gaudi từ năm 2019 khi mua lại Công ty Habana Labs. Intel không thông tin chi tiết về chip AI mới, nhưng được biết chip Gaudi3 sẽ cạnh tranh với H100 của Nvidia và MI300X sắp ra mắt của AMD.

Tại sự kiện công bố Gaudi3 và các chip mới khác ở New York, Mỹ ngày 14-12, Tổng giám đốc điều hành (CEO) Pat Gelsinger của Intel nói: “Chúng tôi đang thấy được sự phấn khích với AI tạo sinh, ngôi sao của năm 2023. Chúng tôi nghĩ rằng AI PC (máy tính AI) sẽ là ngôi sao trong năm tới”. Tới lúc đó, bộ xử lý Core Ultra mới của Intel (cũng vừa được Intel công bố) sẽ phát huy tác dụng.

Trong đợt ra mắt các sản phẩm mới này, Intel cũng giới thiệu chip Core Ultra, được thiết kế cho laptop và PC chạy hệ điều hành Windows, cùng với chip máy chủ Xeon thế hệ thứ 5. Cả hai đều có một bộ phận AI chuyên dụng gọi là NPU có thể được sử dụng để chạy các chương trình AI nhanh hơn. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy các nhà sản xuất bộ vi xử lý truyền thống, gồm cả đối thủ của Intel là AMD và Qualcomm, cũng đang định hướng lại các dòng sản phẩm của mình.

Core Ultra sẽ không đủ mạnh để chạy các chatbot như ChatGPT mà không cần kết nối Internet, nhưng có thể xử lý các tác vụ nhỏ hơn. Chip Core Ultra cũng cho thấy khả năng chơi game mạnh mẽ hơn, trong khi sức mạnh đồ họa được nâng cấp có thể giúp các chương trình như Adobe Premiere chạy nhanh hơn 40%.

Nguồn: NIKKEI ASIA - Dữ liệu: BÌNH AN - Trình bày: N.KH.

Nguồn: NIKKEI ASIA – Dữ liệu: BÌNH AN – Trình bày: N.KH.

Nhỏ hơn và nhanh hơn

Những con chip Core Ultra nói trên được chế tạo bằng quy trình 7 nanomet của Intel, tiết kiệm điện hơn so với các chip trước đó. Các chip 7 nanomet này cho thấy chiến lược của CEO Gelsinger nhằm bắt kịp Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) về năng lực sản xuất chip.

Điều này gợi nhắc tới cuộc đua chế tạo chip của các gã khổng lồ bán dẫn toàn cầu. Tham gia cuộc đua tạo ra những con chip ngày càng nhỏ hơn và nhanh hơn, một số công ty như TSMC (Đài Loan), Intel (Mỹ) cũng như Samsung (Hàn Quốc) chi hàng tỉ USD mỗi năm, đẩy định luật Moore đến giới hạn.

Định luật Moore do ông Gordon Moore – đồng sáng lập của Intel – xác lập, dự đoán số lượng bóng bán dẫn trên một vi mạch sẽ tăng gấp đôi sau mỗi hai năm trong khi giá máy tính giảm một nửa.

Trong khi đó, các công ty bị tụt lại phía sau, chẳng hạn các nhà sản xuất chip Trung Quốc, đã phải vật lộn với khó khăn, đặc biệt sau khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ được công bố vào năm 2019 và còn tiếp tục siết chặt nhiều lần sau đó.

Hiện các công ty hàng đầu đang chạy đua để sản xuất chip 2 nanomet vào năm 2025. Nhưng liệu “cuộc đua nanomet” này có giới hạn?

Cựu đồng giám đốc điều hành TSMC Tưởng Thượng Nghĩa (Chiang Shang-yi) nói với tạp chí Nikkei Asia: “Nếu định luật Moore thực sự đạt đến giới hạn, điều này sẽ mang tới tác động rất lớn cho ngành bán dẫn. 20 năm nữa ngành chip cuối cùng có thể trở thành một ngành công nghiệp truyền thống, thay vì ngành công nghệ cao như hiện nay, nếu không có giải pháp mới”.

TSMC và Samsung hiện đang sản xuất chip 3 nanomet, trong khi Intel ở mốc 5 nanomet. Cả ba công ty này đều đang chạy đua sản xuất chip 2 nanomet vào năm 2025.

Niềm tự hào của Trung Quốc

Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ USD vào các công ty nước này như SMIC và Huawei nhằm thúc đẩy ngành chip của họ có thể sánh ngang với Intel, TSMC và Samsung. Đối với Bắc Kinh, thành công trong lĩnh vực này không chỉ là vấn đề an ninh kinh tế mà còn là niềm tự hào dân tộc, theo Nikkei Asia.

Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn quốc tế (SMIC) hàng đầu Trung Quốc – vốn bị Mỹ đưa vào danh sách đen – thực hiện đợt mở rộng lớn nhất từ trước đến nay khi đầu tư 24 tỉ USD vào chi phí tài sản cố định từ năm 2020 đến 2023. Mặc dù bị hạn chế tiếp cận thiết bị tiên tiến, SMIC vẫn cam kết sẽ sản xuất được chip 5 nanomet và thậm chí 3 nanomet.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *