Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử – tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều ngày 7-12.
Liên quan hiện tượng livestream trên TikTok để lôi kéo người dân chơi cờ bạc, bà Huyền khẳng định đây là những hành vi vi phạm pháp luật.
Khi phát hiện các hành vi này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu TikTok nói riêng, cũng như các doanh nghiệp, các nền tảng mạng xã hội nói chung, đều phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ dịch vụ này. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, bộ sẽ chuyển cơ quan công an điều tra.
Với tình trạng bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc dịp cuối năm đang có xu hướng tăng cao và livestream bán công khai trên TikTok, đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết việc quản lý hàng giả, hàng nhái thuộc trách nhiệm của bộ với vai trò quản lý chuyên ngành thương mại điện tử trên môi trường mạng.
“Thời gian qua, dù các nền tảng xuyên biên giới khi cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đã đăng ký với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công thương để xử lý vi phạm.
Trong trường hợp Bộ Công Thương phát hiện các nền tảng vi phạm mà yêu cầu xử lý bằng các biện pháp hành chính và các biện pháp khác không đủ răn đe thì có thể yêu cầu chuyển Bộ Thông tin và Truyền thông áp dụng biện pháp ngăn chặn các dịch vụ này trên môi trường mạng” – bà Huyền nêu rõ.
TikTok còn “nợ” chưa thực hiện hai nội dung thanh tra
Cũng tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết về việc triển khai và cam kết thực hiện các biện pháp khắc phục sai phạm của nền tảng TikTok sau khi bộ có kết luận thanh tra nền tảng này vào tháng 9-2023.
Theo kết luận kiểm tra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu TikTok thực hiện chín nội dung liên quan đến các sai phạm trên nền tảng này.
Bà Huyền thông tin đến thời điểm hiện nay, bộ đã nhận được phản hồi ban đầu của TikTok bên Singapore. Nền tảng này đã thực hiện bốn nội dung trong kết luận thanh tra.
Theo bà Huyền, có ba nội dung hiện nay mà TikTok đang triển khai và đang trao đổi, thảo luận với Bộ Thông tin và Truyền thông để triển khai hiệu quả, đó là ngăn chặn nội dung vi phạm pháp luật, nâng cấp công cụ tìm kiếm rà quét hiệu quả hơn cho bộ, cải thiện hệ thống hiện diện nội dung, nhất là hình thức livestream.
Theo đánh giá, TikTok mới đạt 94% tỷ lệ xử lý thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ TT-TT trong thời gian qua.
Hiện còn hai vấn đề TikTok chưa chấp thuận triển khai. Đó là ủy quyền cho pháp nhân tại Việt Nam để thực hiện quản lý và xử lý các vi phạm theo yêu cầu của cơ quan quản lý của Việt Nam. Nội dung thứ hai nền tảng này chưa chấp thuận thực hiện là có thỏa thuận với cơ quan báo chí về triển khai bản quyền cho các nội dung từ báo chí đưa lên TikTok.
“Với hai nội dung này, bộ sẽ tiếp tục đàm phán để yêu cầu TikTok phải thực hiện nghiêm” – bà Huyền khẳng định.