Thạc sĩ tâm lý ĐẶNG HOÀNG AN
Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An cho rằng có thể vì nhiều lý do khác nhau nên hiện có những bạn trẻ vẫn chọn bước vào một mối quan hệ mập mờ dù trong lòng thật sự muốn thành đôi.
Quan hệ mập mờ, phụ nữ thiệt thòi
Phân tích, ông Hoàng An nói có hai nguyên nhân chính dẫn tới mối quan hệ mập mờ. Xuất phát từ bản thân người trong cuộc như tính cách, suy nghĩ, thiếu niềm tin. Với nguyên nhân bên ngoài, đó có thể là sự phát triển của công nghệ, các app hẹn hò, mạng xã hội, ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông…
Nhìn góc độ tích cực, mối quan hệ mập mờ phần nào giúp giữ được bí mật đời tư, không bị ràng buộc, có thể tự do giao lưu, kết nối với người khác. Khi hết tình cảm cũng dễ rời đi hơn mà ít bị soi mói. Song loại quan hệ này tiềm ẩn rủi ro khi mọi thứ tạm bợ, không chắc chắn và đổ vỡ làm ảnh hưởng tâm lý đôi bên.
“Khi không thể đi đến cái kết đẹp, người nữ dễ hụt hẫng, bị tổn thương nhiều hơn so với nam, càng thiệt thòi hơn nếu giữa cả hai đã từng có quan hệ tình dục”, ông An nói.
Trong khi đó với kiểu yêu lò vi sóng, việc chia tay rồi quay lại nhiều lần không hiếm nhưng “hâm đi hâm lại” tình yêu quá nhiều khiến người trong cuộc dễ chai sạn cảm xúc, ảnh hưởng tiêu cực cho cả hai.
Trục trặc đôi chút trong quá trình yêu nhau, chia tay rồi quay lại một vài lần còn tạm chấp nhận chứ lặp đi lặp lại chứng tỏ chỉ là những người hời hợt, không xem trọng tình yêu và cũng thiếu luôn kỹ năng xây dựng tình cảm.
Ngay cả món ăn dù có được hâm nóng lại cũng đã giảm bớt độ ngon. Tình yêu cũng vậy, chia tay rồi quay lại nhiều lần ít nhiều làm mất đi sự trân trọng dành cho nhau!
“Lời chia tay dễ dàng thốt ra, sau đó thu hồi để quay lại cũng cho thấy người đó thiếu chính kiến và sự chín chắn cần thiết trong tình cảm”, ông An bày tỏ quan điểm.
Hôn nhân càng phải cân nhắc kỹ
Phải nhìn nhận thực trạng hiện có nhiều cặp đôi sống với quan niệm yêu nhanh, cưới vội, ly hôn sớm nếu thấy không ổn nữa. Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui (khoa tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) nói thực tế này có cả lý do chủ quan lẫn khách quan.
Không thể phủ nhận dòng chảy nhanh của xã hội như cuốn lấy mọi thứ, làm người ta ưa chuộng cái gì cũng nhanh chóng chứ không muốn chờ đợi nên yêu nhanh cũng phải cưới nhanh! Cũng có người chịu áp lực, sự ép buộc từ gia đình để tiến vào hôn nhân.
“Có người bị thầy bói phán yêu mà không cưới ngay thì phải chục năm nữa mới cưới được, rồi cưới muộn sẽ tan vỡ, thế là cưới vội luôn”, bà Vui kể.
Theo bà Vui, dù nguyên nhân gì việc yêu nhanh, cưới vội, ly hôn sớm chắc chắn tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy cho cả hai, gia đình và rộng hơn là xã hội. Nhất là khi tỉ lệ ly hôn ngày một cao, đặc biệt các cuộc ly hôn trước hai năm hay năm năm sau ngày cưới đang rất cao.
Chính người trong cuộc cũng sẽ mất niềm tin vào tình yêu và cuộc sống, đôi khi không dám mở lòng yêu nữa. Bi kịch hơn nếu đã có con chung, đứa trẻ thường gặp tổn thương tinh thần rất lớn. Mà gia đình không vững, làm sao xã hội bền vững được.
“Chuyện yêu đương, hôn nhân mà dục tốc thì bất đạt. Chọn cưới nhau nghĩa là đồng ý bước vào cuộc sống chung. Ở đó không chỉ có hai người mà còn cả gia đình, họ hàng hai bên. Để tránh những đổ vỡ trong hôn nhân non trẻ, người trưởng thành phải là người sẵn sàng, kiên trì chờ đợi và quan sát”, bà Vui tư vấn.
Bảo vệ tình yêu đến cùng
Các chuyên gia cho rằng khi nhận ra dấu hiệu tình cảm đi xuống, việc nên làm là tìm cách hâm nóng, bảo vệ tình yêu đến cùng. Đừng bao giờ đi tìm cảm xúc mới bằng việc quen người khác rồi thấy không hợp lại quay về người cũ.
Từ thực tế tư vấn, chuyên gia gợi ý cả hai có thể thiết lập các quy ước chung khi bắt đầu quen nhau. Điều này phần nào hạn chế bớt tình huống chia tay một cách vô tội vạ khi cãi vã, nóng giận.
“Cũng cần giữ cho mình đầu óc tỉnh táo, tránh bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông khi xem các video trên mạng hay nghe những câu chuyện chia tay rồi dễ dàng buông xuôi”, ông An nhắn gửi.
Trang bị kiến thức tiền hôn nhân
Có những khóa học về tiền hôn nhân trang bị cho đôi bạn những kiến thức căn bản về đời sống gia đình, học cách thấu hiểu nhau có thể xem là một trong những giải pháp góp phần xây dựng tình yêu và hôn nhân bền vững.
Bởi phải yêu, hiểu và thấy hợp nhau là tiền đề căn bản cần có, sẵn sàng để bước vào cuộc hôn nhân. “Phải sẵn sàng đối diện với những vấn đề đôi khi trần trụi, thực tế của hôn nhân mới biết cách hạn chế tối đa mâu thuẫn có thể dẫn tới ly hôn”, thạc sĩ Ngọc Vui chia sẻ.
Trong khi thạc sĩ Đặng Hoàng An nói khi tư vấn cho các cặp đôi, ông luôn nhấn mạnh trong mối quan hệ tình yêu hay hôn nhân không phải 1+1=2 mà phải là 0,5+0,5=1 mới là trọn vẹn. “Nghĩa là bạn sống vì mình một nửa, nửa kia hạ cái tôi cá nhân xuống và đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh người còn lại để hiểu cho đối phương”, ông An gợi ý.