Tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học đã tích cực triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn. Từ giữa năm 2024, các trường đã tuyển sinh, bắt đầu đào tạo khoảng 18.000 sinh viên cho ngành này và kế hoạch năm sau có thể tuyển sinh, đào tạo nhiều hơn nữa..
Bên cạnh đó, bộ cũng đang khẩn trương xây dựng chương trình đào tạo chuẩn về vi mạch bán dẫn để hoàn thành trong quý 1-2025 như kế hoạch được giao, đồng thời đẩy mạnh và hỗ trợ các trường phổ thông triển khai có hiệu quả giáo dục Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), lan tỏa và khuyến khích học sinh, sinh viên theo học STEM, làm nền tảng cho nguồn nhân lực các ngành công nghệ cao, trong đó có ngành bán dẫn trong tương lai.
Đặc biệt mới đây, bộ ban hành kế hoạch 1758 triển khai hai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, gồm quyết định số 1018 phê duyệt “Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050” và quyết định số 1017 phê duyệt chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến 2050”.
Theo đó, trong năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách miễn, giảm học phí và chính sách học bổng đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước.
Bộ cũng nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai mô hình liên kết giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện đáp ứng chưa tới 20%.
Hiện tại, sinh viên theo học các ngành, chương trình thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn tại các cơ sở đào tạo đang nộp học phí dao động từ 16 – 78 triệu đồng/năm.