Thiếu thuốc hiếm, thuốc cấp cứu bệnh viện có thể tự mua

Bộ Y tế đang xây dựng nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Dược sửa đổi – Ảnh minh họa

Theo ông Chu Đăng Trung – trưởng phòng pháp chế – hội nhập, Cục Quản lý dược, đại diện tổ biên tập dự thảo nghị định, có rất nhiều điểm mới được đưa vào dự thảo nghị định này, đây cũng là nghị định sửa đồng thời 2 văn bản hiện hành là nghị định 54 và nghị định 155 hướng dẫn Luật Dược 2016.

Trong đó điểm được rất nhiều người quan tâm là làm sao mua được thuốc hiếm, thuốc ít người sử dụng nhưng rất cần thiết trong tình huống khẩn cấp (như trường hợp thuốc giải độc Botulinum giá hàng ngàn USD/lọ hay huyết thanh kháng nọc rắn bị thiếu và người bệnh rất cần thời gian qua), ông Trung cho biết dự thảo đề xuất cho phép các thuốc hiếm ít công ty nhập mà không có thì nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân, bệnh viện có thể đăng ký với các doanh nghiệp có chức năng để mua.

Các thuốc này có thể là thuốc hiếm, thuốc chống thải ghép, thuốc điều trị bệnh truyền nhiễm nhóm A, thuốc trị ung thư, bệnh mới nổi, giải độc…

Ông Trung cũng nêu biện pháp để tháo gỡ vướng mắc đã xảy ra. Theo đó, quy định hiện hành có biện pháp xử phạt doanh nghiệp có từ 2 lô thuốc nhập khẩu vi phạm mức độ 2 hoặc từ 1 lô thuốc vi phạm mức độ 1 là tạm ngưng cấp phép nhập khẩu, nhưng biện pháp này có thể ảnh hưởng trong trường hợp cần nhập khẩu thuốc hiếm hoặc các thuốc đang cần kíp.

Vì vậy dự thảo mới cho phép doanh nghiệp đang bị xử phạt được loại trừ trong một số tình huống, để có thể kịp thời nhập khẩu thuốc phục vụ khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó, thời gian trước đây các vắc xin, thuốc viện trợ cho Việt Nam cũng phải kê khai giá trước khi cấp phát cho người sử dụng, việc này nhằm quản lý giá nhưng thực tế thuốc, vắc xin đó không bán nên quản lý giá là vô dụng mà lại gây tốn thời gian, nhất là trong tình huống có dịch, cần thuốc, vắc xin.

Vì vậy dự thảo này cho biết chỉ “quản lý giá có trọng điểm”, tức là các thuốc miễn phí, thuốc/vắc xin sử dụng trong chương trình y tế quốc gia, thuốc viện trợ thì không phải kê khai giá, chỉ quản lý giá thuốc thiết yếu với quy mô 82,5% thuốc hiện có trên thị trường.

Theo ông Đỗ Xuân Tuyên – thứ trưởng Bộ Y tế, Luật Dược vừa được thông qua sửa đổi gần 50 điều, trong đó có những điểm đáng chú ý nhằm phát triển công nghiệp dược trong nước, giảm thủ tục hành chính và làm sao để người dân mua được thuốc tốt, nhanh với giá cả hợp lý.

Ông Tuyên cũng khuyến cáo khi xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Dược sửa đổi, phải mạnh dạn kiểm điểm lại những quy định ban hành còn chậm so với yêu cầu của luật. “Xem lại những quy định hiện hành thì có những yêu cầu là dư so với quy định, như vậy không khéo là thêm giấy phép con” – ông Tuyên thẳng thắn nói.

Ông Tuyên cũng yêu cầu về công nghệ thông tin phải đẩy mạnh hơn nữa. “Ngồi ở Bộ Y tế xem được ngay một bệnh viện có bao nhiêu người đến mổ, bao nhiêu người ra viện, bao nhiêu người chờ, thuốc men vật tư y tế thiếu gì, còn đợi bệnh viện báo cáo thì đến bao giờ. 

Đẩy mạnh công nghệ thông tin trong quản lý cũng là đẩy nhanh quá trình cấp giấy chứng nhận lưu hành thuốc” – ông Tuyên đặt yêu cầu.

Thị trường dược phẩm Việt Nam có quy mô khoảng 7 tỉ USD/năm và đang tăng trưởng 2 con số hằng năm. Hiện có 238 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GMP-WHO), 17 nhà máy đạt GMP-EU và 4 nhà máy đạt GMP tương đương GMP-EU. 

Hiện sản xuất thuốc trong nước chiếm trên 50% tiền thuốc trên thị trường. Năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 3,8 tỉ USD thuốc chữa bệnh và vắc xin; xuất khẩu được 280 triệu USD thuốc/vắc xin, tăng hơn cùng kỳ 80 triệu USD, mục tiêu 2030 xuất khẩu trị giá 2 tỉ USD và có vẻ đây là mục tiêu khó khả thi.

Luật Dược sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ tháng 7-2025, nhưng một số điều sẽ áp dụng ngay từ tháng 1-2025 tới đây.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *