Sáng 20-12, hội thảo khoa học “Thúc đẩy động lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên: Thực trạng và giải pháp” do Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức đã thu hút gần 100 chuyên gia, nhà khoa học.
Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong sinh viên còn đang bị xem nhẹ
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Chi – thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – cho biết đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên là một nhiệm vụ quan trọng, đó là nhiệm vụ của sinh viên và các trường đại học. Tuy nhiên, tại thời điểm này, các trường đang đối mặt với nhiều vấn đề, cơ hội và thách thức từ những nhiệm vụ này.
Từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025. Năm nay bộ sẽ tổng kết, đánh giá quá trình 5 năm thực hiện đề án để bước sang một giai đoạn phát triển mới.
Điều quan trọng nhất là sự thay đổi trong nhận thức, trong tư duy của chính thực tiễn giảng dạy, học tập của các trường đại học và học sinh, sinh viên.
“Nếu nói đến khởi nghiệp trong sinh viên và động lực đổi mới sáng tạo, chúng ta thường xem nhẹ, không để ý, không đặt đúng chỗ, và chỉ coi đây là những kiến thức sơ đẳng.
Nếu không có một nền móng vững chắc, thì những sản phẩm khởi nghiệp cũng như những thành quả của đổi mới sáng tạo sẽ không thể phát triển.
Nếu không bắt nguồn từ tri thức, nền tảng của khoa học thì các sản phẩm của chúng ta sẽ chỉ mang tính nhất thời và chắc chắn sẽ không vươn tới được những sản phẩm mang tính thời đại”, bà Chi nhấn mạnh.
58% trường đại học đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học
Theo ông Nguyễn Xuân An Việt – phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo), bộ đã giao nhiệm vụ tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho 3 trường đại học.
Có 212 trường đại học, 6 trường cao đẳng đã có sinh viên tham gia các dự án khởi nghiệp. Số trường đại học đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn, với tối thiểu 2 tín chỉ/môn học đạt 58%.
Từ 2020 – 2023, các dự án khởi nghiệp của sinh viên xấp xỉ 33.808 dự án, trung bình 5.635 dự án/năm. Từ năm 2020 đến nay có xấp xỉ 300 doanh nghiệp khởi nghiệp do các trường đại học ươm tạo.
Số doanh nghiệp khởi nghiệp gọi được vốn từ các nhà đầu tư là 12 doanh nghiệp, số vốn lớn nhất là 1 tỉ đồng/dự án.
Từ năm 2022 – 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hỗ trợ 7 cơ sở giáo dục đại học, chuyển giao 10 dự án kinh doanh tạo tác động xã hội cho các địa phương với tổng số kinh phí là 6,13 tỉ đồng từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025 của bộ.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có 1 dự án hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sinh viên sau Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia với tổng số vốn là 5,9 tỉ đồng cho ba năm (2023 – 2025), mỗi năm ươm tạo 10 dự án để hỗ trợ trở thành các doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội. Mỗi dự án được hỗ trợ vốn mồi khoảng 80 triệu đồng để hoàn thiện các sản phẩm mẫu trước khi đưa ra thị trường.
Có 15 cơ sở giáo dục đại học đã thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, điển hình Quỹ BK – Funds của Đại học Bách khoa Hà Nội có quy mô vốn xấp xỉ 30 tỉ đồng.
Nội dung đào tạo về khởi nghiệp chưa gắn với thực tiễn
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá công tác hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học đã đạt được kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.
“Trong đó, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường đại học hoạt động còn yếu, thiếu định hướng, thiếu cơ chế, nguồn lực. Kinh phí đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp trong các trường không được cấp thường xuyên, nên rất khó khăn trong việc xây dựng và hoạch định kế hoạch.
Nhiều sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên gặp khó khăn khi muốn tiếp cận thị trường thực tế, do thiếu kỹ năng nghiên cứu thị trường, phân tích nhu cầu và tiếp thị sản phẩm”, ông Việt cho biết.
Các ý tưởng khởi nghiệp hiện tại hầu như bị lặp, chưa có tính sáng tạo cao, chưa gắn với nhu cầu của người dân, cộng đồng, dẫn đến các ý tưởng, dự án không thu hút được nguồn lực đầu tư từ các quỹ.
Về nguyên nhân, ông Việt cho rằng các nội dung đào tạo về khởi nghiệp cung cấp cho sinh viên còn rất hạn chế, chưa đủ sâu, chưa gắn với thực tiễn, chưa có điều kiện thực hành dẫn đến hàm lượng khoa học công nghệ thấp.
Các trường hiện tại chưa định hướng và cụ thể hóa được các hoạt động khởi nghiệp, gắn với sứ mệnh, tầm nhìn của cơ sở giáo dục đại học.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng: “Các trường đại học không thể đào tạo khởi nghiệp được. Nếu cho rằng khởi nghiệp dễ dàng, làm phong trào sẽ thất bại ngay. Các trường đại học, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp cần liên kết với nhau thật chặt chẽ. Các trường kỹ thuật phối hợp với trường kinh tế, khoa học xã hội thì mới khởi nghiệp thành công”.