Bộ Y tế đề xuất cơ chế đặc thù để đưa Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai cơ sở 2 vào hoạt động năm 2025

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam – Ảnh: NAM TRẦN

Chiều 20-12, Bộ Y tế tổ chức cung cấp thông tin y tế tại trụ sở Bộ Y tế.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2024 bộ đã phối hợp các bộ ngành báo cáo Thủ tưởng Chính phủ đề xuất cơ chế, giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Tháng 11, Thủ tướng đã có chỉ đạo trong 6 tháng tới Bộ Y tế cùng các đơn vị liên quan phải hoàn thiện và đưa vào bàn giao dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc liệu 2 bệnh viện này có thể đi vào hoạt động trong 6 tháng tới như chỉ đạo của Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho hay Bộ Y tế vẫn đang nỗ lực để giải quyết những vướng mắc của 2 bệnh viện. Gần đây nhất ngày 6-12, Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề án tháo gỡ vấn đề này.

Theo Thứ trưởng Luận, khó khăn, vướng mắc của 2 dự án đã diễn ra và tạm dừng thi công từ năm 2020. Sau chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay dự án Bệnh viện Việt Đức đã bắt đầu thi công trở lại.

Ông Luận cũng thừa nhận các vướng mắc khá phức tạp liên quan đến quá trình thực hiện hợp đồng, ký kết hợp đồng, triển khai dự án, có nội dung chưa tuân thủ đúng quy định tại các nghị định và thông tư.

“Vì vậy qua quá trình rà soát, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ trên cơ sở vướng mắc để có cơ chế, chính sách đặc thù giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Chỉ áp dụng các cơ chế, chính sách đó thì các khó khăn vướng mắc mới được tháo gỡ, dự án mới tiếp tục được thực hiện”, ông Luận nhấn mạnh.

Cũng theo ông Luận, gần đây nhất ngày 6-12, Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề án giải quyết, tháo gỡ vướng mắc của hai bệnh viện.

Bộ Y tế cũng đang phối hợp với các bộ ngành để hoàn thiện nội dung liên quan đến nghị quyết của Chính phủ để xử lý vấn đề này. Sau khi giải quyết khó khăn, vướng mắc này, các dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Hiện nay, về phần xây dựng, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thiện 97%, còn 3%, cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức cũng đã xây dựng được 85%, chỉ còn 15%.

“Về phần xây dựng với phần 6 tháng như yêu cầu của Thủ tướng trước đó, chắc không khó khăn gì”, ông Luận nói.

Ông Luận nói thêm liên quan đến thiết bị y tế đã được phê duyệt từ năm 2014-2015, Bộ Y tế sẽ rà soát để đối chiếu thực tiễn thực hiện và tổ chức mua sắm thiết bị y tế, mỗi dự án gần 1.000 tỉ đồng.

“Mục tiêu là nếu các khó khăn vướng mắc được các cấp có thẩm quyền chấp nhận, chúng ta sẽ hoàn thiện việc xây dựng trong năm 2025”, ông Luận cho hay.

Trước đó năm 2023, Thủ tướng ra quyết định thành lập tổ công tác gồm Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Tài chính, Tư pháp… thực hiện nhiệm vụ rà soát các vướng mắc khó khăn liên quan để đề xuất phương án tháo gỡ cho dự án tiếp tục xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng phục vụ nhân dân.

Bệnh viện xây 10 năm chưa vào hoạt động

Cuối năm 2014, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại TP Phủ Lý (Hà Nam) được khởi công xây dựng và kỳ vọng sẽ là hai bệnh viện hiện đại lớn nhất từ trước đến nay được xây dựng. Đây cũng là lần đầu tiên nước ta có bệnh viện được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tháng 10-2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này đã chính thức được khánh thành.

Tuy nhiên sau đó chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào sử dụng một thời gian từ tháng 3-2019 đến tháng 3-2020, rồi thông báo tạm thời dừng hoạt động. Trong khi đó, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 cũng chỉ dừng lại ở cắt băng khánh thành và chưa từng tiếp nhận bệnh nhân.

Hai bệnh viện có quy mô 1.000 giường/bệnh viện; diện tích 100.000m² sàn/bệnh viện. Tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng/bệnh viện.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *