Hội thảo do do Viện Phát triển nguồn lực xã hội Phương Nam phối hợp cùng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn (quận 1, TP.HCM) tổ chức với mong muốn mang đến cho người học những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong quá trình nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế.
Gần 200 người từ 18 tỉnh thành trên cả nước được lắng nghe chia sẻ, giao lưu học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia đầu ngành.
Nhiều bài báo khoa học bị gỡ
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn – chuyên gia về y học thế giới, giám đốc Trung tâm công nghệ y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney, Úc – đánh giá tình hình nghiên cứu khoa học ở Việt Nam có nhiều bước phát triển.
“Hiện nay, Việt Nam có hơn 20.000 bài báo khoa học, tăng gấp 2 lần so với mười năm trước. Mặc dù bài báo tăng nhanh nhưng về chất lượng còn tương đối thấp.
Đại đa số công bố trên các tạp san không có uy tín cao, không được công nhận trong chuyên ngành. Tuy có nhiều công trình nghiên cứu nhưng không gây được sự ảnh hưởng thực tế, không gây tác động đáng kể. Trong tương lai cần nâng cao sự ảnh hưởng hơn” – giáo sư Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng cho biết hiện nay có nhiều vấn đề thời sự về đạo đức khoa học. Xảy ra nhiều vấn đề như bài báo khoa học Việt Nam bị gỡ, các bài báo công bố trên các tạp san ‘dỏm’. Những hiện tượng đó gọp chung vào vấn đề đạo đức công bố khoa học, vấn đề nổi cộm ở Việt Nam. Nếu không can thiệp sẽ là vấn đề lớn trong tương lai.
“Trước đây số bài báo bị rút rất hiếm, nhưng những năm vừa qua có hơn 12.000 bài trên thế giới bị rút xuống. Đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19, có nhiều bài bị sai, ngụy tạo dữ liệu và tranh chấp.
Cách đây vài tuần ở Việt Nam có 4-5 bài báo bị rút xuống vì lý do tranh chấp tác giả. Đa số 25% do bài báo trùng hợp, công trình công bố không cần thiết. Cũng có những trường hợp ngụy tạo dữ liệu, không làm nghiên cứu.
Ngoài ra, còn có vấn đề đạo văn. Tôi hy vọng có cách quản lý khoa học sao cho hiệu quả hơn” – giáo sư Tuấn nêu vấn đề đầy tâm tư.
Chi 1% GDP cho nghiên cứu khoa học
Giáo sư Nguyễn Văn Phước – chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM – cho biết vấn đề nghiên cứu khoa học trong cả nước tiến theo từng thời kỳ và từng bước.
“Gần đây có những cơ chế thông thoáng hơn trong nghiên cứu khoa học, đề tài nhiều hơn, đầu tư trong máy móc thiết bị trang bị đầy đủ hơn. Trong chính sách quốc gia chi 1% GDP cho nghiên cứu khoa học.
Riêng TP.HCM hiện nay dự kiến sẽ đầu tư các phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu khoa học đạt chuẩn quốc tế. Tiêu chí đặt ra các công bố phải đạt chuẩn quốc tế, có kết hợp với các chuyên gia nước ngoài. Mở ra cơ hội cho các nhà khoa học đầu ngành chất lượng cao, có điều kiện để nghiên cứu” – giáo sư Phước nói.
Giáo sư Nguyễn Văn Phước cũng nhận định cần phải tạo điều kiện để khoa học công nghệ, tài nguyên con người và chất xám phát huy được vai trò quyết định sự phát triển của đất nước trong kỹ nguyên mới.