Sáng 2-1, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM đã có buổi khảo sát về phát triển hệ thống y tế – chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân TP.HCM.
Chưa có hướng dẫn về thành lập Hội đồng quản lý bệnh viện
Ông Nguyễn Anh Dũng – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận định trong năm 2024 ngành y tế TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực, phát triển y tế chuyên sâu, nhiều bệnh viện đạt chuẩn chất lượng quốc tế.
Thế nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn như còn một số bệnh viện xuống cấp, quá tải, cụ thể: Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Hiện Sở Y tế có đề án trình Hội đồng nhân dân để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, thậm chí xây mới những bệnh viện này để nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển chuyên khoa sâu trên địa bàn.
Ngoài ra, TP.HCM hiện có 7 bệnh viện được UBND giao quyền tự chủ tài chính nhóm 1 theo nghị định 60, nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về thành lập Hội đồng quản lý bệnh viện như thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngành y tế sẽ tham mưu ủy ban thí điểm Hội đồng quản lý đặt tại một bệnh viện trong thời gian chờ hướng dẫn cụ thể.
Trạm y tế vẫn còn khó khăn về nguồn lực, biên chế
Theo ông Dũng, hiện nay các trạm y tế vẫn còn khó khăn về nguồn lực, biên chế. Sở Y tế đề xuất khi sáp nhập phường, xã nhưng vẫn giữ nguyên đội ngũ trạm y tế để đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Ngoài ra, cơ cấu giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ, năng lực quản lý tài chính bệnh viện chưa được đầu tư đúng mức, một số bệnh viện có nguy cơ mất cân đối thu chi.
Nguồn kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin còn nhiều vướng mắc, giá khám, chữa bệnh chưa được tính đúng, tính đủ (mới chỉ kết cấu 2/4 yếu tố – chi phí tiền lương, phụ cấp và chi phí trực tiếp).
Đại diện UBND quận Tân Phú cho biết hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, danh mục thuốc tuyến y tế cơ sở bị hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng nâng cao của người dân.
Đáng nói, do cơ chế chính sách và nhiều quy định nên việc nâng cấp, hình thức xã hội hóa bệnh viện quận vẫn còn hạn chế. Do đó quận kiến nghị TP.HCM cần quan tâm, đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ y tế, tập trung đầu tư tài chính để hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng lực y tế tuyến quận.
Tại buổi khảo sát, ông Cao Thanh Bình – trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM – nhận định TP.HCM đã đầu tư rất nhiều cho ngành y tế từ tuyến y tế cơ sở đến tuyến y tế chuyên sâu, đặc biệt là những bệnh viện cửa ngõ.
Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề ngành y tế cần phải quan tâm thêm như tiếp tục nâng cao chất lượng y tế cơ sở, cần rà soát đánh giá lại cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trạm y tế.
Đồng thời tăng cường đầu tư các loại thuốc, đặc biệt là thuốc mãn tính, có như vậy mới thu hút được người dân đến khám bệnh tại trạm.
Hơn 54.000 tỉ đồng dành cho dự án y tế lớn
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã có báo cáo gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và năm 2025. Trong đó, ngành y tế TP.HCM đặt mục tiêu lập kế hoạch các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Trong đó, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Tâm thần và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới sẽ được ưu tiên xây dựng.
Trong giai đoạn từ năm 2026-2030, ngành y tế dự kiến đầu tư 54.700 tỉ đồng cho các dự án y tế lớn. Các dự án trọng điểm bao gồm xây mới khu khám và điều trị ban ngày cho Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhân dân Gia định…