Bài viết “Ở mãi một công ty 7 năm vẫn phải chua chát ra đi: Bạn học được gì?” đăng tải trên Tuổi Trẻ Online nhận được nhiều ý kiến bình luận của độc giả.
Theo đó, một số người có kinh nghiệm đi làm lâu năm khuyên người trẻ không nên làm việc quá lâu ở một công ty nếu sau 2 – 3 năm mà chẳng có gì tiến bộ, phát triển. Không nên nghĩ làm lâu sẽ được hậu đãi, bởi làm 10 năm vẫn có thể bị sa thải khi doanh nghiệp thấy nhân sự đó không còn giá trị.
Thay vào đó hãy nâng cấp bản thân, chủ động kiểm soát lộ trình sự nghiệp của bản thân.
Đừng tự nhốt mình trong chiếc hộp, chờ ngày bị sa thải
Chia sẻ từ trải nghiệm của chính mình, bạn đọc Nhan cho hay bản thân từng gắn bó với một công ty trên 10 năm, nhiều lần sau đó đã đề xuất nghỉ việc vì thấy không còn mục tiêu hay động lực phấn đấu, trong khi cách quản lý thì ngày càng đi ngược với thời đại thông tin.
“Tôi đã nhiều lần tự đề xuất nghỉ nhưng lại không được duyệt, đành bỏ của chạy lấy người, lúc đó hy vọng sẽ được chút ít trợ cấp. Nhưng lại nhận về là con số 0 và cả nỗi thất vọng”, tác giả bình luận chua xót.
Bạn đọc này nhận định nếu công ty không có định hướng phát triển rõ ràng, không có sự đổi mới toàn diện thì có làm lâu đến mấy cũng giống như là tự nhốt mình trong chiếc hộp.
Phân tích vấn đề này, độc giả Thói Đời cho hay những người làm một công ty thời gian dài thường rơi vào hai dạng.
Dạng thứ nhất là có năng lực, được đề bạt lên các chức vụ cao hơn, từ từ nắm những vị trí cao trong công ty.
Dạng còn lại là năng lực bình thường hoặc thấp, sợ thay đổi và phải cam chịu mức lương thấp hơn so với thị trường, nhưng cũng không dám nhảy việc vì không nâng cấp bản thân. Như vậy khác nào chờ ngày bị công ty sa thải.
“Đi làm, mọi người có niềm nở đến đâu, công ty quan tâm đến đâu thì cũng nhớ là do bạn còn giá trị. Đến một ngày bạn không còn giá trị sẽ thấy họ phũ phàng lắm. Nên đi làm, cứ kiếm chỗ nào bán sức lao động được giá thì bán. Mặt tươi cười thân thiện, nhưng tiền là tiền. Mua sữa, tã cho con, xăng xe… đều bằng tiền, chứ không phải bằng những lời hứa”, người này chỉ ra thực tế.
Đồng tình với bài viết, bạn đọc Bình tâm sự mình đã làm việc cho một công ty gần 20 năm, từ khi mới thành lập. Tin vào lời hứa hẹn của ông chủ là cống hiến hết mình sẽ được nhiều đãi ngộ xứng đáng, nên anh đã góp công lớn xây dựng công ty phát triển liên tục mà không suy nghĩ gì đến xin việc nơi khác.
Nhưng đến nay, khi tuổi anh không còn trẻ thì những lời hứa hẹn năm xưa từ chủ doanh nghiệp không còn nữa. Người này nói mình bị đối xử ngày càng tệ. Ở tuổi trung niên, anh lại phải lo hành trang cho mình để xin việc chỗ mới.
Từ câu chuyện của chính mình, độc giả này nhắn nhủ với người trẻ là dù nhiệt huyết đến đâu cũng không nên đắm chìm vào những lời hứa hẹn, và phải nhớ rằng tuổi trẻ là cơ hội để tìm kiếm cơ hội.
Tương tự, tài khoản thie****@gmail.com kể quãng đời đi làm thuê hơn 32 năm của bản thân chỉ có đơn vị cuối là làm 5 năm do có mục tiêu riêng, còn lại trở về trước không có nơi nào anh làm quá 2 năm, có chỗ làm chỉ 9 tháng là nhảy việc, đi học… Và bạn đọc này đúc kết: “Mỗi lần nhảy việc là tăng lương, không tội gì ở làm mãi một nơi, nhàm chán, sống mòn và không thể thăng tiến được vì chỉ là lão làng, khó kiếm được thêm tiền ở nơi cũ”.
Cùng quan điểm, tài khoản Dung nhấn mạnh: “Làm công ở đâu cũng chỉ là làm công. Đừng mơ giàu có, vì nếu mình giàu thì khả năng chủ sẽ nghèo. Quyền lợi của chủ là bất biến. Tất cả hứa hẹn chỉ là công cụ quản lý người làm công. Hãy cố gắng tích lũy kinh nghiệm và vốn để tách ra khi có thể”.
“Nhảy việc liên tục thì kinh nghiệm ở đâu ra?”
Ở góc độ khác, số ít bạn đọc đưa ra quan điểm nhằm phản biện các ý kiến cho rằng không nên làm việc quá lâu ở một công ty.
Theo nickname nena pham, tùy trường hợp của từng cá nhân, chứ không phải trình độ nào cũng dễ nhảy việc.
Bạn đọc này đưa ví dụ: “Một người làm bảo vệ, hoặc làm lao công thì nhảy việc làm gì, đi đâu chả làm việc đó? Hoặc người làm khâu lắp ráp trong dây chuyền sản xuất thì nhảy việc lại rất không có lợi, vì sang dây chuyền sản xuất khác lại học lại từ đầu, còn ở chỗ cũ quen việc, làm lâu lại có năng suất cao hơn bởi tay nghề ngày càng lên. Ngành y mà nhảy việc thì kinh nghiệm lấy đâu ra, chả lẽ nay làm ngành y, mai làm ngân hàng?”.
Cũng theo độc giả này, người nào giỏi chuyên môn nào đó cũng đều do làm lâu năm mà ra. “Các cụ có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” cũng là có ý nói về chuyện làm lâu thì tay nghề cao, chứ chưa thấy cụ nào nói làm 7 năm, cũng như làm một việc 7 năm cả”.
Phản hồi phía dưới, bạn đọc Thanh cho rằng chủ bình luận này chưa phân biệt được giữa nhảy việc với nhảy nghề.
Trong khi đó, độc giả Nguyễn Tuấn Lộc cho biết có người em làm việc tại một tập đoàn đa quốc gia của Anh gần 20 năm nay vẫn không có vấn đề gì. Nhận định xu hướng nhảy việc để được tăng thu nhập ngày càng lan rộng, ở góc độ tuyển dụng nhân sự, anh Lộc nói mình đã từng phỏng vấn những bạn thường xuyên nhảy việc, và khi hỏi đến kinh nghiệm và trình độ thì… hỡi ơi.
Bạn đọc Dũng bày tỏ việc gắn bó với một công ty trong thời gian dài cũng là điều tốt nếu ở đó có môi trường, văn hóa tốt và đảm bảo thu nhập. Tuy nhiên, anh cho rằng phải luôn cẩn trọng với những lời hứa của ông chủ vì về bản chất, đó chính là nghệ thuật thao túng tâm lý. “Hãy luôn chuẩn bị hành trang cho chính mình và chỉ nên tin vào bản thân mình mà thôi”.