Càng cận Tết Ất Tỵ, giá vé máy bay càng tăng cao nên nhiều lao động tại TP.HCM buộc phải chọn cách dồn hết ngày phép để nghỉ Tết sớm và đi làm muộn nhất có thể.
Dồn hết ngày phép trong năm cho kỳ nghỉ Tết
Công ty dệt may nơi Đào đang theo làm (kỹ thuật máy – PV) phải đến 28 tháng chạp mới nghỉ Tết. Bài toán đặt ra là nếu làm đến ngày 28 Tết, hoặc nghỉ sớm hơn lịch chung của công ty ba hôm cũng rất khó để mua được vé máy bay.
Nếu có thì giá mỗi vé cho chặng TP.HCM – Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) không dưới 7 triệu đồng.
“Từ ngày 18 – 21 tháng chạp, mỗi vé chỉ 3 triệu đồng. Nếu ở lại làm thêm 5 hôm thì lương vẫn nhiêu đó, nhưng về sớm lại tiết kiệm được 4 triệu đồng”, Đào nói.
Nhiều người chưa về đến nhà đã phải “tính đường” quay trở lại, vì công ty mùng 6 tháng giêng đã đi làm lại. Nhưng giá vé chặng Đồng Hới – TP.HCM rất cao, dao động từ 6 triệu đến hơn 9 triệu đồng/vé. Dù giá cao nhưng không phải dễ mua được vé, khách hàng buộc phải mua sớm.
“Tôi phải dồn hết ngày phép nghỉ của năm 2024, một phần của năm 2025, khoảng ngày 10 bay vào thì giá chỉ còn 3 triệu đồng, rẻ hơn nhiều”, Đào nói.
Về quê sớm, xin sếp làm việc từ xa vì vé máy bay quá cao
Nghỉ Tết sớm, đi làm muộn cũng là cách mà anh Trương Công (30 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) làm, từ đó tiết kiệm cho gia đình hơn 20 triệu đồng.
Theo anh Công, lịch nghỉ Tết chung của cơ quan từ 26 tháng chạp đến ngày 5 tháng giêng. Tuy nhiên từ ngày 20 tháng chạp anh đã nghỉ phép, bay về Huế sớm.
Anh nhẩm tính: “Nhà tôi 4 người, nếu tối 26 bay từ TP.HCM về Huế sẽ hết khoảng 23 triệu đồng, mỗi vé không dưới 5,5 triệu đồng. Giờ ngày 20 về, mỗi người chỉ mất chưa tới 1,7 triệu đồng”.
Chặng đường vào lại TP.HCM sau Tết cũng khiến anh Công trăn trở nhiều. Khi từ mùng 4, mùng 5 tháng giêng, chiều từ sân bay Phú Bài (Huế) đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) rất ít chuyến. Giá vé cũng “cao chót vót”, từ 7-9 triệu đồng/vé. Các ngày từ mùng 6 – 8 tháng giêng không có giá dưới 5 triệu đồng/vé.
“Mùng 9 tôi vào lại, giá chỉ còn khoảng 1,6 triệu đồng/vé. Nếu có việc thì xử lý từ xa, chứ vào sớm thì mất luôn hai tháng lương mới đủ tiền vé”, anh Công cười.
Anh Lê Nam (làm công việc truyền thông tại quận 3) kể vì giá vé chặng TP.HCM – Hà Nội quá cao (từ 7-10 triệu đồng/vé/chiều), đắn đo mãi chưa mua vé.
“Ngày 15 tháng chạp có lịch đi Hà Nội công tác theo cơ quan, rồi tôi xin làm việc từ xa, khỏi quay lại thành phố. Về nhà sớm hơi chán, nhưng hôm nay thấy sân bay Tân Sơn Nhất đông nghịt thì cũng thấy quyết định của mình hợp lý, vừa tiết kiệm tiền vừa đỡ mệt mỏi chen chúc ở sân bay”, anh Nam cho biết.
Kế hoạch đi làm lại của anh Nam cũng trễ hơn lịch chung của cơ quan khoảng 3 ngày, cũng tại giá vé máy bay quá cao. Nếu đi làm theo lịch chung, nghĩa là anh Nam phải có mặt ở TP.HCM trước ngày 6 tháng giêng thì giá vé trên 10 triệu đồng.
Tuy nhiên cũng ngày đó, từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) đi Đà Lạt thì chỉ tốn khoảng 3 triệu đồng. “Tôi quyết định mùng 6 sẽ bay vào Đà Lạt, nghỉ ngơi, chơi bời hai hôm rồi về TP.HCM mới đi làm”, anh nói.
Doanh nghiệp sẵn sàng linh động cho người lao động
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Quang Anh – giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Dony (huyện Bình Chánh, TP.HCM), cho biết quyết định ngày nghỉ Tết, ngày đi làm lại luôn rất đau đầu. Đa phần đến từ việc muốn hỗ trợ công nhân, đặc biệt là các công nhân ở xa TP.HCM, có quê miền Trung hay các tỉnh phía Bắc.
“Công ty vẫn theo lịch nghỉ nhà nước, nhưng nếu có lao động nào ở xa muốn nghỉ sớm hơn, ai muốn đi làm lại thì tôi đều hỗ trợ, đặc biệt là khi vé tàu xe, máy bay quá đắt thì việc này càng ý nghĩa”, ông Quang Anh trải lòng.
Ông Trần Lâm – nhà sáng lập Julyhouse và Macaland, cũng cho biết rất cởi mở, linh động cho người lao động trong việc nghỉ Tết sớm, đi làm muộn.
Tại doanh nghiệp do ông Lâm làm chủ, tùy bộ phận, lĩnh vực, người lao động có thể tự sắp xếp, thương lượng để được về quê trước Tết 10 ngày, đi làm muộn hơn 10 ngày. Những vị trí có thể làm việc từ xa thì linh động hơn.