Những bài học nhỏ sẽ giúp hình thành thói quen và nhân cách tích cực cho con trẻ.
Sẻ chia từ phong bao lì xì
Từ khi Xoài – con trai chị Thùy Trang (32 tuổi, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) – chào đời, chị đã quyết định tham gia hỗ trợ một bạn nhỏ thuộc dự án “Đi học trên núi” của Câu lạc bộ Bạn Thương Nhau. Đây là dự án giúp đỡ hàng trăm em nhỏ mồ côi cha mẹ, có hoàn cảnh khó khăn ở Nam Trà My (Quảng Nam) có nguy cơ bỏ học.
Mỗi năm tiền mừng tuổi của Xoài được chị chia thành hai phần. Một nửa được gửi đến dự án để hỗ trợ một bạn nhỏ, mỗi tháng 500.000 đồng (6 triệu đồng mỗi năm). Nếu số tiền không đủ, chị Trang sẽ bù vào cho con. Nửa còn lại, chị sẽ bỏ vào heo tiết kiệm để Xoài dùng sau này khi lớn lên. Khi con biết sử dụng tiền, chị sẽ tư vấn để con tự đưa ra quyết định mua những đồ dùng cần thiết như xe đạp, máy tính…
Tết này Xoài tròn 3 tuổi, cũng là năm thứ ba Xoài và mẹ thực hiện “kế hoạch nhỏ” này. Sau này khi lớn hơn, con sẽ nghe mẹ kể về những yêu thương được gieo từ ngày bé. Chị Trang tin rằng mỗi hành động của người mẹ sẽ ảnh hưởng tích cực đến con mai sau. Việc gieo mầm thiện lành từ những phong bao lì xì cũng là cách chị dạy con sẻ chia, quan tâm những mảnh đời khó khăn.
“Món quà mừng tuổi với Xoài là tình cảm của ông bà, cha mẹ, cô chú… tôi không muốn nó chỉ dừng lại ở một số tiền hoặc mua được món gì đó về vật chất. Đồng tiền cho đi là đồng tiền còn mãi.
Cho đi để yêu thương nhân lên thành nhiều yêu thương khác. Số tiền không chỉ còn 6 triệu đồng mỗi năm mà là sự hỗ trợ tinh thần cho bạn nhỏ vùng núi. Biết đâu bạn nhỏ ấy sẽ có thêm động lực đi học, trưởng thành và trở thành người tử tế. Chúng ta chỉ giàu có khi trái tim yêu thương thật nhiều. Tôi muốn con trở thành người giàu có như vậy”, chị Trang tâm sự.
Còn với các giáo viên Trường mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, Đà Nẵng), một hoạt động ý nghĩa với phong bao lì xì nhận sự ủng hộ và khen ngợi từ nhiều phụ huynh. Theo đó, nhà trường phát động chương trình “Xuân yêu thương của bé” năm 2025. Mỗi em học sinh được khuyến khích ủng hộ 1 phong bao lì xì của mình vào hoạt động thiện nguyện ở trường.
Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm – hiệu trưởng – chia sẻ: “Hoạt động này nhằm giáo dục trẻ tình yêu thương, sự sẻ chia và cách sử dụng tiền lì xì hợp lý, ý nghĩa. Số tiền thu được cùng với các chương trình như phiên chợ yêu thương, nuôi heo đất… sẽ hình thành một quỹ.
Quỹ này dùng hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng núi Tây Giang (Quảng Nam) và thăm bệnh nhi ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng dịp Tết”.
Việc hướng dẫn con cách quản lý tiền mừng tuổi không chỉ giúp con hiểu về tài chính mà còn dạy con những bài học về giá trị cuộc sống như sự sẻ chia, tiết kiệm và trách nhiệm. Ba mẹ có thể kết hợp việc hỗ trợ và cho con cơ hội tự trải nghiệm để con dần hình thành những thói quen tốt, chuẩn bị cho những quyết định tài chính trong tương lai.
Tiến sĩ Lê Thị Lâm (giảng viên khoa tâm lý – giáo dục Trường đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng)
Dạy trẻ cách quản lý tiền mừng tuổi
Tiến sĩ Lê Thị Lâm, giảng viên khoa tâm lý – giáo dục Trường đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), cho biết trẻ em được nhận tiền mừng tuổi thường rất vui và thích thú. Đây là cơ hội tuyệt vời để ba mẹ giáo dục con cách quản lý tiền bạc. Không chỉ giúp con hiểu được giá trị đồng tiền, điều này còn giúp trẻ hình thành những thói quen tài chính tích cực ngay từ nhỏ.
Để bắt đầu, ba mẹ có thể giải thích cho con về ý nghĩa của tiền lì xì. Đây không chỉ là món quà vật chất mà còn là sự quan tâm và yêu thương từ người thân, giúp con nhận thức được mỗi món tiền đều mang một giá trị và ý nghĩa riêng.
Sau đó ba mẹ có thể hướng dẫn con phân chia tiền mừng tuổi một cách hợp lý. Cụ thể, một phần nên dành để tiết kiệm cho tương lai, một phần dùng để mua những món đồ yêu thích, và phần còn lại có thể dùng để giúp đỡ người khác.
Ngoài ra ba mẹ cũng nên khuyến khích con hình thành thói quen tiết kiệm. Con trẻ nên được hướng dẫn dành một phần tiền mừng tuổi để tiết kiệm cho những mục tiêu dài hạn. Điều này giúp con nhận thức được tiết kiệm là thói quen quan trọng để đạt được những mục tiêu lớn hơn, dù là những món đồ nhỏ xinh hay những dự định lớn.
Thêm vào đó ba mẹ cũng nên tạo cơ hội để con tự quản lý một phần nhỏ tiền mừng tuổi. Chẳng hạn ba mẹ có thể để con tự quyết định chi tiêu vào những món đồ chơi yêu thích. Việc này không chỉ giúp con rèn luyện khả năng tự lập mà còn hiểu được trách nhiệm đối với những quyết định tài chính của mình.
Cuối cùng ba mẹ có thể khuyến khích con tham gia các hoạt động từ thiện, như dùng một phần tiền mừng tuổi để giúp đỡ người khó khăn hơn. Việc này không chỉ giúp con nuôi dưỡng lòng nhân ái mà còn dạy con về giá trị của sự sẻ chia trong cuộc sống.
Hướng dẫn sử dụng tiền mừng tuổi hợp lý
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, Đà Nẵng), cho biết: “Nhà trường lồng ghép các bài học giáo dục học sinh cách ứng xử khi nhận mừng tuổi từ người lớn.
Giáo viên cũng hướng dẫn các em sử dụng tiền mừng tuổi hợp lý, khuyến khích các em chi tiêu theo sở thích lành mạnh, đồng thời tích hợp kỹ năng tính toán trong môn toán và cách sử dụng tiền Việt Nam vào bài giảng để các em áp dụng thực tế”.