Người dân đang truy xuất nguồn gốc sản phẩm tiêu dùng trước khi mua hàng – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Những câu chuyện về kẹo rau, sữa giả, thực phẩm chức năng “cải lão hoàn đồng” thời gian gần đây khiến đông đảo người dân hoang mang khi muốn mua một sản phẩm mới nào đó.
Khi những lời quảng cáo từ những người có ảnh hưởng hay thậm chí thông tin dán trên nhãn sản phẩm đều không còn đáng tin cậy, công nghệ được kỳ vọng như là biện pháp đem lại hiệu quả cao nhất.
Cần áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc
Kể từ khi đường dây sản xuất kẹo rau Kera và vụ gần 600 loại sữa giả bị phanh phui, chị Thu Nga (quận Bình Thạnh, TP.HCM) luôn nghi ngại mỗi khi chọn mua bất kỳ sản phẩm nào.
“Trước đây tôi luôn có thói quen đọc khá kỹ các thông tin, xem hạn sử dụng khi có ý định chọn mua bất kỳ sản phẩm nào. Nhưng sau các vụ việc vừa rồi, tôi cứ phân vân chẳng biết thông tin công bố có đúng như vậy không. Có cách nào khác để mình có thể kiểm tra để an tâm về sản phẩm mình sẽ mua về dùng không?”, chị Nga đặt vấn đề.
Đây cũng là mối quan tâm chung của đông đảo người tiêu dùng sau những vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng bị vạch trần gần đây.
Tại hội thảo “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong chuyển đổi số quốc gia”, vừa được tổ chức tại TP.HCM, TS Trịnh Bá Dương, chủ tịch Liên minh xúc tiến thương mại các nước trong khu vực Đông Nam Á (AseanHub), cho rằng tình trạng hàng giả hàng nhái ngày càng tinh vi và phức tạp, trở thành mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, lợi ích doanh nghiệp và uy tín quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Tình trạng làm giả không chỉ là sao chép mẫu mã, mà còn giả mạo cả thông tin, dữ liệu và mã truy xuất. Những phương pháp truyền thống – tem nhãn, mã vạch đơn thuần – không còn đủ sức để đối phó với thủ đoạn tinh vi, đang bộc lộ nhiều bất cập, dễ bị làm giả, làm lại, thậm chí bị giả mạo cả mã QR” – ông Dương nói và cho rằng cần những giải pháp có tính đột phá thực sự, dựa trên tích hợp công nghệ thông minh và liên kết chuỗi dữ liệu số hóa.
Trên thực tế, Việt Nam đã có nhiều cách để khẳng định nguồn gốc và chất lượng sản phẩm cũng như biện pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Truy xuất nguồn gốc hàng hóa không còn là cụm từ xa lạ mà nó được nhắc đến thường xuyên trong cuộc sống và sinh hoạt của người dân vì nó liên quan trực tiếp đến sự an toàn của mỗi cá nhân sử dụng sản phẩm, cũng như sự sống còn của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và sự an nguy của nền kinh tế nước nhà.
Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập kinh tế và yêu cầu minh bạch thông tin sản phẩm ngày càng cao, việc truy xuất nguồn gốc trở thành xu thế tất yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều nước, khu vực đều có quy định về truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để phục vụ cho việc áp mức thuế.
Đối với Việt Nam, để các sản phẩm hàng hóa giữ vững được vị thế và phát triển thêm các thị trường mới, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc có vai trò rất quan trọng.
Gắn chip cho sản phẩm!
Luật sư Phạm Văn Thọ, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ chống giả Việt Nam (Activ), cho rằng vấn nạn hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại các chợ truyền thống và sàn thương mại điện tử khiến cho bao doanh nghiệp và người tiêu dùng điêu đứng.
Trong khi đó, doanh nghiệp muốn vươn ra biển lớn phải đáp ứng đòi hỏi khắt khe của thị trường về chất lượng, mẫu mã, giá cả… nếu không muốn người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm của mình.
Theo ông Thọ, một trong những giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bằng công nghệ tiên tiến là gắn chip RFID (Radio Frequency Identification – công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến) vào sản phẩm.
Mỗi chip RFID mang một mã định danh duy nhất, lưu được thông tin các công đoạn trong sản xuất kinh doanh gồm: mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm, thời gian sự kiện truy xuất nguồn gốc của từng công đoạn…
“Việc gắn chip ngay từ khâu sản xuất sẽ ngăn chặn tình trạng sản phẩm bị làm giả làm nhái, cũng như dễ dàng truy xuất ngược lại nguồn gốc sản xuất sản phẩm”, ông Thọ nói.
Trong khi đó, theo TS Dương, việc kết hợp ba công nghệ RFID – blockchain (chuỗi khối) – AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ đem lại giải pháp tốt nhất cũng như có khả năng triển khai thực tiễn với quy mô sâu rộng cho việc xác định và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ngoài chip RFID, blockchain là nơi lưu trữ toàn bộ dữ liệu từ RFID – tạo ra một sổ cái phân tán, bất biến và minh bạch. Mỗi thao tác cập nhật, mỗi bước vận hành – từ sản xuất, đóng gói, đến lưu thông – đều được ghi lại. Người tiêu dùng hoặc cơ quan quản lý có thể kiểm tra toàn bộ hành trình sản phẩm chỉ bằng một cú “quét” đơn giản, và quan trọng nhất là không ai có thể can thiệp hay sửa đổi những thông tin đó.
Trong khi đó, AI đóng vai trò phân tích các dữ liệu thu được từ hệ thống RFID và blockchain. AI có thể phát hiện những điểm bất thường, cảnh báo rủi ro, hỗ trợ doanh nghiệp ra quyết định nhanh chóng. Thậm chí AI còn có thể dự đoán khả năng gian lận hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng thông qua học máy (machine learning) và các thuật toán nhận diện hành vi…
“Sự kết hợp ba công nghệ này tạo nên một hệ thống truy xuất nguồn gốc chính xác, minh bạch và tự động hóa, đủ sức đối phó với mọi hình thức làm giả hiện đại. Không chỉ dừng lại ở sản phẩm tiêu dùng, hệ thống này hoàn toàn có thể triển khai trong các lĩnh vực như y tế, dược phẩm, nông sản, logistics, thủy sản và cả thương mại điện tử xuyên biên giới”, ông Dương nhận định.
Cần một chiến lược quốc gia
TS Trịnh Bá Dương cho rằng Việt Nam cần một chiến lược quốc gia về truy xuất nguồn gốc thông minh, tập trung vào ba điểm.
Thứ nhất là tích hợp các công nghệ mới – đặc biệt là RFID, blockchain và AI – trong một kiến trúc hệ thống thống nhất, liên thông dữ liệu từ trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp lớn đến hộ sản xuất nhỏ.
Thứ hai là chuẩn hóa dữ liệu và hạ tầng mã số, mã vạch quốc gia, có thể liên kết với các nền tảng khu vực ASEAN, thúc đẩy xuất khẩu và thương mại số hóa xuyên biên giới giúp lưu thông hàng hóa các nước trong khu vực một cách hiệu quả nhất.
Thứ ba là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với các giải pháp chi phí thấp, dễ tiếp cận, đi kèm chính sách ưu đãi cụ thể.
“Nếu chúng ta xem công nghệ là chìa khóa, truy xuất nguồn gốc phải là cánh cửa để mở ra một nền thương mại minh bạch, văn minh và bền vững. Đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà là nền tảng để bảo vệ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp và nâng tầm quốc gia trong nền kinh tế số”, ông Dương đề xuất.
Dùng công nghệ để chuẩn hóa quy trình, tăng minh bạch trong truy xuất nguồn gốc

Các chuyên gia đề xuất… gắn chip cho sản phẩm để truy xuất nguồn gốc và ngăn hàng giả, hành kém chất lượng – Ảnh: Q.ĐỊNH
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Huy, tổng giám đốc Công ty công nghệ Phygital Labs, cho rằng việc ứng dụng các công nghệ mới như blockchain, IoT, AI, tem thông minh NFC/RFID… có thể giúp chuẩn hóa quy trình và tăng cường tính minh bạch trong việc giải quyết bài toán truy xuất nguồn gốc.
Tại Việt Nam cũng đã manh nha một số giải pháp ứng dụng blockchain. Tuy nhiên để phát huy tác dụng, các nền tảng truy xuất thông qua blockchain này không chỉ dừng lại ở “truy xuất nội bộ” mà hướng tới liên thông khả năng xác thực dữ liệu theo tiêu chuẩn chung, sẵn sàng chứng minh minh bạch với tất cả đối tác từ trong nước tới quốc tế.
“Điều này đòi hỏi cần có chiến lược chung trong việc xây dựng và tích hợp tổng thể dữ liệu truy xuất nguồn gốc. Sự kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, địa phương, từ nhà cung ứng, sản xuất tới phân phối trên một nền tảng dữ liệu và tiêu chuẩn chung”, ông Huy đề xuất.
Nhiều nước đã ứng dụng công nghệ mới
Ông Rin Thamaiah, chủ tịch Tập đoàn công nghệ T-Solution (Ấn Độ), cho biết ở Ấn độ có rất nhiều ứng dụng di động về truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng hàng hóa.
“Đặc biệt gần đây chúng tôi đã ứng dụng các giải pháp công nghệ mới chống hàng giả bằng kỹ thuật số hoặc dùng AI, blockchain để chống hàng giả. Đây là những giải pháp tích hợp công nghệ rất hiệu quả, theo dõi được thời gian thực và chống gian lận thông tin”, ông Rin Thamaiah cho biết.
Thái Lan cũng đã bắt đầu ứng dụng RFID kết hợp blockchain trong xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, giúp theo dõi toàn bộ hành trình trái cây từ vườn đến cửa khẩu. Singapore đang triển khai nền tảng dùng AI để giám sát chất lượng thuốc và thực phẩm chức năng.
Việt Nam cũng đã có một số doanh nghiệp tiên phong trong ngành dược và nông sản áp dụng RFID và truy xuất số hóa nhưng quy mô còn nhỏ lẻ và thiếu tính liên kết vùng, liên kết ngành.
Đọc tiếp
Về trang Chủ đề