Đây là tuần thứ 3, cô gái trẻ thực hiện tặng cơm 0 đồng tại đối diện Bệnh viện đa khoa Lê Văn Việt (TP.HCM). Vậy là cứ mỗi tối thứ 7 hằng tuần từ 18h, dòng người lại nối đuôi nhau nhận cơm.
Người là bệnh nhân của bệnh viện đối diện, người đi bán vé số, người chạy xe ôm… Các bạn sinh viên cũng tranh thủ ghé nhận cơm để đỡ một khoản tiền ăn cuối tuần. Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ sau 45 phút, 200 phần cơm 0 đồng đã được phát hết.
Phần cơm cuối tuần này gồm có cơm tấm sườn, panna cotta, chè dưỡng nhan, sữa. Một phần đầy ụ khiến một em nhỏ xách nặng trĩu tay. Nếu nhà bạn có đông hơn 1 người, có thể “order” quán thêm 1-2 phần nữa.
Nhã Thi chia sẻ, phần cơm tấm là cố định, còn bánh, sữa đều là do mạnh thường quân góp. Nhóm của cô gái mua khoán luôn một tiệm cơm tối hôm đó, sau đó phát cho mọi người. Chị chủ quán thiệt sự và gia đình còn xúm lại phụ xới cơm, chia thịt,… để quán cơm hoạt động nhanh nhất có thể. Dù vất vả nhưng ai cũng đều vui.
“Tuần đầu tiên, tụi em chỉ mua 150 phần cơm. Sau đó, em thấy mọi người xếp hàng đứng phía sau không có phần. Em thấy buồn vì mọi người cũng đợi lâu mà phần cơm thì hạn chế. Nên từ tuần 2 – 3, em tăng lên thành 200 phần. Em muốn tăng nhiều hơn nữa nhưng kinh phí có giới hạn thôi”, Nhã Thi cười cho hay.
Cô gái chia sẻ, mọi người truyền tai nhau mà tới. Trước đó, cô cũng nhắn chú bảo vệ ở bệnh viện thông tin, và nhắn các mạnh thường quân ai rảnh rỗi qua phụ giúp.
Cầm hai suất cơm trên tay, bà Bùi Thị Phượng (sống tại TP.Thủ Đức) cho biết, bà mưu sinh bằng nghề bán vé số. Nghe mọi người giới thiệu cơm tấm 0 đồng, bà ghé đến thử nhưng không ngờ nhận được nào là sữa, bánh… Chưa kể, mọi người trong quán cơm còn nhiệt tình trao luôn cho bà thêm một phần để cho con gái ở nhà.
“Họ chẳng nề hà gì cả. Ai bảo cho 2 phần, 3 phần, các cô chú ấy cũng đưa luôn. Tôi mua cơm mà không cần trả đồng nào, mà còn được cám ơn, chúc ngon miệng… Hạnh phúc quá”, bà nói.
Thi thoảng, các mạnh thường quân trong quán cơm còn la lên: “Yên tâm đi, không hết cơm đâu”, “Bà con ơi, tui ưu tiên cho anh này nha. Ổng chạy xe ôm nên cần đi gấp”… Nghe vậy, mọi người đều vui vẻ giãn hàng ra để nhường chỗ cho 1-2 anh tài xế bước vào nhận cơm để kịp nổ chuyến. Thậm chí, phóng viên khi đến viết bài còn được nhiều người dân mời vào hàng đứng để nhận cơm.
Trên tay còn chích ven, Bích Hường (sinh năm 2002, sống tại TP.Thủ Đức) cho biết, cô nằm viện đã được hơn 1 tuần. Nhờ phần cơm ấm áp cuối tuần này, cô tiết kiệm được một khoản đáng kể. Cô gái cũng trân quý tình cảm của những người xa lạ bỏ một tối thứ 7 để đem lại niềm vui cho mọi người.
“Chủ tiệm cơm 0 đồng” Nhã Thi cho biết, cô thích thấy người khác cười. Khi nhận được cơm, những người khó khăn cười một cái, những nỗi lo toan, vất vả của cô đều được xóa tan hết.
“Tôi thấy tôi còn may mắn hơn nhiều người. Tôi chỉ mong mọi người có một bữa cơm cuối tuần ấm áp. Ở bữa cơm này, chúng tôi đã đặt nhiều tình cảm trong đó.
Làm từ thiện là ước mơ của ba tôi. Từ nhỏ, ba luôn mong muốn con trở thành người có ích cho xã hội. Ba tôi mất sớm nên tôi muốn hoàn thành ước mơ đó bằng cách giúp đỡ mọi người. Tôi quyết định lựa chọn cái tên Nhã Thi là tên mà ba thường gọi, để đặt tên cho quán cơm này”, Thi nói.