Đại học không chỉ là “một tấm bằng”, đó là cơ hội để các bạn trẻ làm dày hành trang tri thức, trau dồi kỹ năng, là bàn đạp vững chắc để hiện thực hóa ước mơ sự nghiệp. Chính vì là một hành trình vô cùng quan trọng, nên đứng trước ngưỡng cửa đại học, cả phụ huynh và các bạn học sinh đều có muôn vàn nỗi lo. Từ chọn trường, chọn ngành và cả những nỗi lo xoay quanh câu chuyện chi phí học đại học.
Đại học không chỉ là bước đầu của hành trình hiện thực hóa ước mơ của các bạn trẻ, mà kèm theo đó còn là nỗi lo xoay quanh câu chuyện chi phí học đại học của nhiều gia đình
Nỗi lo tài chính đại học: tính tổng và … hoảng!
Trò chuyện về vấn đề tài chính, gia đình chị Lê Thị Thu Hà và anh Đặng Trung Thông chia sẻ: “Đối với việc cân đối tài chính khi cho con đi học đại học, gia đình tôi sẽ ngồi lại và áng chừng chi phí trong 3.5 – 4 năm học đại học, rồi từ đó sẽ chia ra mỗi năm hết bao nhiêu, mỗi tháng hết bao nhiêu để dễ cân đối.
Tuy nhiên trong quá trình đó, cũng sẽ có những chi phí phát sinh mà mình sẽ không ngờ tới được. Lúc đó, cảm xúc đầu tiên của tôi là lo lắng, vì con số tổng tính được chắc chắn không phải là một con số nhỏ đối với gia đình tôi”.
Anh Đặng Trung Thông cũng chia sẻ thêm về những kinh nghiệm khi có con đang là sinh viên năm 2: “Không chỉ phụ huynh mà cả các con cũng sẽ phải đối mặt với những áp lực về tài chính trong quá trình học đại học.
Điểm chung của các con là khi xảy ra vấn đề, con không chia sẻ với bố mẹ ngay cho đến khi vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Lúc đó mình cảm nhận được đã có chuyện gì đó xảy ra và mở lời, thì con mới bắt đầu chia sẻ”.
“Gia đình cùng con cũng cân nhắc công việc nào vừa tạo ra được hiệu quả kinh tế nhưng phải đi đôi với yếu tố sở thích, đam mê thì mới bền lâu. Cuối cùng thì con vẫn nên là người đưa ra lựa chọn cuối cùng” – Chị Hà chia sẻ
Nhìn vào toàn bộ chi phí cho bốn năm đại học, không ít bạn trẻ cảm thấy hoang mang và đôi khi còn khiến họ tự đặt ra câu hỏi liệu việc theo đuổi giấc mơ đại học có thực sự khả thi?
Theo Sỳ Nghiêm Vũ (SV năm 3, Khoa Quan hệ Quốc tế HUFLIT), mỗi người sẽ có những cách suy nghĩ riêng về việc học đại học. Đối với những bạn coi việc học là quan trọng thì số tiền bỏ ra là một sự đầu tư chính đáng. Nhưng với những bạn coi việc học đại học là “cưỡi ngựa xem hoa” thì số tiền bỏ ra rất là phí.
Ngoài ra, việc học đại học còn phụ thuộc vào vấn đề chọn ngành, chọn trường. Nếu chọn đúng ngành đúng trường yêu thích thì chi bao nhiêu tiền cũng không thấy tiếc. Nhưng nếu học cảm thấy không thích, không phù hợp thì nên ngưng sớm để tìm phương án tốt hơn.
“Em nghĩ mặt bằng chung của sinh viên sẽ sử dụng 500 triệu cho 3.5 năm học, nếu biết tiết kiệm một chút thì sẽ rơi vào 450 triệu. Theo em, việc đi học này là em đang đầu tư cho bản thân mình và gia đình”, Nghiêm Vũ bộc bạch.
Đa thu, rõ chi và cách vượt qua nỗi lo tài chính
Theo lời khuyên từ ông Nguyễn Minh Nhật, Nhà giáo dục tài chính được công nhận bởi NFEC (Hoa Kỳ), “Đại học có thể mang đến những trải nghiệm đáng giá, giúp người học có thêm những kiến thức, kỹ năng giá trị, cũng như mang đến nhiều cơ hội sự nghiệp và gia tăng thu nhập dài hạn.
Nhưng, như mọi hình thức đầu tư khác, đầu tư thì có thể “lỗ”. Đại học cũng có thể để lại những khoản nợ, những trải nghiệm bị bỏ lỡ, và những cơ hội vụt qua. Một sự chuẩn bị kỹ lưỡng có thể giúp giảm thiểu những rủi ro này và gia tăng khả năng nắm bắt các cơ hội ngay khi học đại học”.
Học đại học là một sự đầu tư. Một sự chuẩn bị kỹ lưỡng có thể giúp giảm thiểu những rủi ro và gia tăng khả năng nắm bắt các cơ hội ngay khi học đại học
Thực tế, chi phí để học đại học không chỉ là học phí. Rất nhiều chi phí khác như chi phí ăn, ở, đi lại, liên lạc,… và cả những chi phí phát sinh mà phụ huynh và người học không ngờ đến chính là nguyên nhân dễ dẫn đến tình trạng “hụt chân”, tạo nên áp lực cho cả gia đình.
Do đó, xác định rõ các khoản chi ngay từ ban đầu, lên kế hoạch đa dạng nguồn thu ngay khi còn ngồi tại giảng đường bằng cách “săn” các suất học bổng trong và ngoài trường, tham gia các công việc làm thêm ngay tại trường… chính là cách để phần nào giải quyết nỗi lo tài chính đại học.
Trường đại học đầu tiên cung cấp công cụ hỗ trợ, giúp phụ huynh, người học giải bài toán tài chính đại học bằng cách lấy con người làm trọng tâm
Vừa qua, HUFLIT đã tổ chức Webinar “Tài chính Đại học: Đừng tính tổng, sẽ hoảng!”, qua đó giúp người tham dự hiểu rõ hơn về bức tranh tài chính đại học. Nhân dịp này, HUFLIT đã ra mắt 2 công cụ hỗ trợ phụ huynh, học sinh & sinh viên trong quá trình chuẩn bị cho hành trình Đại học bao gồm: Lịch tài chính và Cẩm Nang Tài chính đại học (https://taichinhdaihoc.huflit.edu.vn/home)
Cẩm nang Tài chính đại học này được thiết kế nhằm giúp phụ huynh, học sinh và sinh viên nhận thức rõ hơn về các kỹ năng tài chính cần thiết và cách áp dụng chúng vào quá trình học đại học, từ đó đưa ra quyết định phù hợp khi chọn ngành, chọn trường đại học. Đây là một công cụ hữu ích giúp quản lý chi tiêu, lập kế hoạch tài chính và tránh những khó khăn tài chính không đáng có trong suốt quãng thời gian học tập.