Sinh viên năm 3 mở cửa hàng dạy làm tiêu bản

Sinh viên Nguyễn Kim Long (Trường đại học Công Thương TP.HCM) mở cửa hàng trưng bày và dạy làm tiêu bản – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Sinh viên vừa dạy làm tiêu bản, vừa xuất khẩu bọ đi nước ngoài

Lúc còn nhỏ từng gặp những loại côn trùng khi được đi cắm trại, ngoại khóa trong rừng. Từ đó, Nguyễn Kim Long bắt đầu tìm hiểu và đam mê bộ môn bọ cánh cứng.

Long cho biết vốn học chuyên ngành kinh doanh quốc tế nên việc mở cửa hàng ra kinh doanh rất phù hợp với những gì mà bạn đang theo học.

“Từ nhỏ tôi đã có nhiều bạn bè quốc tế chia sẻ về bộ môn bọ cánh cứng. Tôi học được cách sử dụng công việc bổ trợ cho việc học bộ môn này và mô hình kinh doanh tương đồng 90% với ngành học. Tôi không chỉ bán bọ ở Việt Nam, mà còn xuất ra nước ngoài như Nhật Bản, Úc, Mỹ…

Tôi cũng đã ứng dụng được kiến thức từ các môn học như logistics, thanh toán quốc tế… để có thể xuất khẩu bọ ra nước ngoài với đầy đủ giấy tờ” – Long nói.

“Người tham gia sẽ được trải nghiệm làm tiêu bản, chuẩn bị tiêu bản, trang trí tiểu cảnh sao cho hợp. Sau khi làm xong sẽ được tham quan khu trưng bày và tìm hiểu sâu về bộ môn này.

Tôi hướng mọi người đến việc bảo tồn côn trùng, không giết để làm tiêu bản. Tôi còn nhân giống và bán thêm bọ cánh cứng để làm thú cưng. Mong muốn mọi người học được cách bảo tồn vì số lượng những loài này đang bị suy giảm, không phải do khai thác mà do môi trường sống của những loài động vật đang bị thay đổi” – Long bộc bạch.

Long cho biết bất cứ ai cũng có thể tham gia học làm tiêu bản, phù hợp cho học sinh, bạn trẻ, người lớn và gia đình.

Người tham gia sẽ được học trong hai tiếng, giá vé khoảng 460.000 đồng, bao gồm tiêu bản, vật liệu trang trí, lồng kính.

Hiện tại không gian trưng bày của Long đã có khoảng 300 loài tiêu bản khác nhau. Thu nhập bình quân của Long 20 – 25 triệu đồng/tháng, Long sử dụng số tiền đó đầu tư thêm vật tư, tìm kiếm tài liệu sách về bọ cánh cứng, trang trải cho việc học.

Bạn Quế Trân (quận 10, TP.HCM) chia sẻ: “Được bạn giới thiệu nên tôi đến làm chơi, đây là lần đầu tiên tôi biết đến workshop tiêu bản. Lần đầu tiếp xúc với bọ và bướm có chút sợ, nhưng nhìn kỹ thì thấy chúng dễ thương, tôi còn được trang trí hộp đựng bọ rất xinh và thích. Những hoạt động như này giúp tôi thư giãn và thoải mái”.

Triển khai làm trang trại nuôi bọ

Các sản phẩm tiêu bản y như thật - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Các sản phẩm tiêu bản y như thật – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

“Tôi cảm thấy việc chai lì cảm xúc và stress có nhiều hướng để thư giãn như đi cà phê, đi du lịch, đi phượt. Có những buổi workshop như thế này giúp tôi hiểu thêm về thiên nhiên, cân bằng cảm xúc hơn” – bạn Phan Viết Hưng (quận 10, TP.HCM) bộc bạch.

Long đang triển khai làm trang trại nuôi bọ ở huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), qua khảo sát thấy khí hậu ở đây có thể nuôi bọ tự nhiên. Chàng sinh viên cũng mong muốn giúp người dân có thêm việc làm, dự kiến tháng 6 năm sau trang trại sẽ đi vào hoạt động.

Ngoài ra bạn còn mong muốn nghiên cứu ra máy làm lạnh trong hộp để giúp người chơi nuôi bọ dễ dàng, tiết kiệm điện và tài chính.

Trong tương lai Long cũng muốn mở khu du lịch sinh thái để du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về nhiều loại côn trùng của Việt Nam.

Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên

Thầy Đặng Văn Luận (giảng viên khoa quản trị kinh doanh Trường đại học Công Thương TP.HCM) cho biết thấy được sự nhiệt huyết khởi nghiệp của Long, nhà trường cũng rất khuyến khích.

“Bạn Long vốn là thành viên của đoàn thám hiểm trong cộng đồng nước ngoài, đây cũng là cơ hội để các bạn cả trong và ngoài nước trao đổi bọ với nhau. Tôi dẫn bạn đến với các đối tác, khách hàng, giúp bạn hình dung được hướng làm. Ngoài ra, tôi còn giới thiệu những công ty gửi hàng đi nước ngoài cho bạn.

Đối với những bạn trẻ, tôi thường xuyên nhắc các bạn phải hoàn thành việc học bên cạnh việc đam mê khởi nghiệp” – thầy Luận nói.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *