Ngày 13-7 vừa qua, Liên đoàn Billiards và Snooker Việt Nam (VBSF) nhận được văn bản từ Liên đoàn Billiards và Snooker châu Á (ACBS) về việc cấm quan chức, VĐV, HLV Việt Nam tham gia các hoạt động, giải đấu của châu Á và quốc tế trong 6 tháng, tính từ ngày 13-6-2024 tới hết ngày 12-1-2025.
Tranh cãi về việc bên nào có quyền cấp phép giải đấu
Nguyên nhân dẫn đến sự việc nghiêm trọng này là do Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội đã cấp phép cho tổ chức Giải Hanoi Open Pool Championship, vốn không được ACBS xem là giải đấu chính thống và hợp lệ.
Trước đó, ACBS đã nhiều lần cảnh cáo VBSF về điều này. Phía liên đoàn của Việt Nam cũng nhiều lần làm việc các bên liên quan để tìm cách giải quyết vấn đề.
Về vướng mắc trong khâu tổ chức Giải Hanoi Open Pool Championship, Cục Thể dục thể thao đã từng có buổi làm việc với các bên liên quan vào ngày 8-5-2024 để tìm phương án giải quyết.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, cuộc họp đó có sự góp mặt của đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Thể dục thể thao; Ủy ban Olympic Việt Nam; VBSF; Công ty cổ phần thương mại và nội dung Số Việt (Vietcontent) – đơn vị tổ chức giải.
Tại buổi làm việc, cụm từ “giải thể thao quần chúng” được xuất hiện nhiều lần.
Ông Đặng Hà Việt – cục trưởng Cục Thể dục thể thao – nêu quan điểm cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, liên đoàn, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc tổ chức giải quần chúng quốc tế môn pool 9 bi.
Ông Hoàng Quốc Vinh – trưởng Phòng Thể thao thành tích cao 1 (Cục Thể dục thể thao) – cũng cho rằng cần xem xét phạm vi, chức năng của ACBS với các giải thể thao tại Việt Nam, vì không phải giải nào cũng cần có sự cho phép của tổ chức này. Ông Vinh cho rằng Giải Hanoi Pool Championship nếu là giải thể thao quần chúng thì thẩm quyền cấp phép tổ chức thuộc về UBND tỉnh, thành phố của địa phương đăng cai.
Phía Vietcontent khẳng định đã xin cấp phép tổ chức giải vào năm 2023 theo đúng quy trình và thủ tục quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.
Trước đó, từ tháng 9-2023, Cục Thể dục thể thao, Liên đoàn, Công ty Vietcontent và các đơn vị, tổ chức có liên quan đã có buổi họp bàn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về việc tổ chức giải. Kết thúc cuộc họp, Cục Thể dục thể thao đã ban hành văn bản khẳng định giải được cấp phép đúng thẩm quyền thuộc UBND thành phố Hà Nội, địa điểm tổ chức giải.
Đại diện của Vietcontent cũng nhiều lần khẳng định Giải Hanoi Pool Championship là “giải đấu quần chúng quốc tế”, do đó việc được Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội cấp phép là phù hợp với pháp luật hiện hành. Liên đoàn châu Á không có quyền và trách nhiệm đối với việc cấp phép cho giải đấu.
Chưa hết tranh cãi đã phải nhận án phạt
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung – luật sư, cố vấn pháp lý của Vietcontent – nêu quan điểm: “Các VĐV là hội viên của VBSF mới chịu sự quản lý và phải tuân thủ các nguyên tắc hoạt động của VBSF, ACBS chỉ có thể tác động tới các VĐV do VBSF quản lý.
Việc ACBS thông tin cấm các VĐV tham gia giải đấu căn cứ vào đâu, có cơ chế giải quyết không? Ngoài ra, VĐV là cá nhân, có quyền con người, quyền cá nhân cơ bản, không thể cấm VĐV tham gia giải đấu, trừ khi vi phạm quy định do ban tổ chức giải đấu đó ban hành”.
Ông Lê Thanh Liêm – chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – nêu ý kiến trong cuộc họp ngày 8-5-2024 rằng: “Các thông tin mà ACBS đưa ra cần công khai minh bạch, rõ ràng, lý do không chấp nhận tổ chức giải. Nếu bị ảnh hưởng tới lợi ích chung của quốc gia nên xem xét lại việc cấp phép tổ chức”.
Căn cứ từ ý kiến của các bên liên quan, Cục Thể dục thể thao đưa ra kết luận tại cuộc họp ngày 8-5-2024 như sau:
Đồng ý việc tổ chức Giải Hanoi Open 2024 thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND thành phố Hà Nội nơi tổ chức giải. Đề nghị công ty tổ chức và Công ty Vietcontent thực hiện tổ chức giải tuân thủ theo pháp luật hiện hành, có báo cáo cụ thể cho cục theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Cục Thể dục thể thao cũng đề nghị VBSF giải thích và làm rõ nội dung liên quan đến thẩm quyền tổ chức giải quần chúng quốc tế bộ môn pool 9 bi tại Việt Nam với Liên đoàn Billiards châu Á. Bên cạnh đó, cam kết các VĐV không tham gia Hanoi Open 2024 sẽ được quyền tham gia các giải Indoor Games (tháng 11-2024), SEA Games 2025 và các giải thi đấu quốc tế khác.
Chưa biết sự việc gây tranh cãi này sẽ diễn biến tiếp theo ra sao. Trước mắt, ACBS đã ra án phạt rất nặng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền thi đấu quốc tế của các VĐV Việt Nam trong 6 tháng tới.
Theo án phạt, các VĐV đội tuyển billiards Việt Nam sẽ không thể tham dự Đại hội thể thao võ thuật và châu Á trong nhà vào tháng 11-2024 tại Thái Lan.