Mới đây, tạp chí Journal of Molecular Liquids thuộc Nhà xuất bản Elsevier đã gỡ bỏ bài báo của nhóm tác giả Trung Quốc, Iraq, Nga, Saudi Arabia, Ai Cập, Ấn Độ, Đài Loan và Việt Nam sau quá trình điều tra vi phạm liêm chính học thuật.
“Truyền thống” bị gỡ bài
Bài báo “Prediction of busulfan solubility in supercritical CO2 using tree-based and neural network-based methods” nộp cho tạp chí ngày 2-1-2022, được chấp nhận đăng chỉ ba tuần sau đó, vào ngày 26-1-2022, và vừa bị gỡ ngày 17-7-2024. Tác giả Việt Nam có tên trong bài báo là TS Nguyễn Hoàng Chinh, ghi địa chỉ khoa Khoa học ứng dụng, Trường đại học Tôn Đức Thắng.
Theo thông báo gỡ bài của Journal of Molecular Liquids, ban biên tập cho biết đã điều tra những nghi vấn về các tài liệu trích dẫn trong bài báo. Nghiêm trọng hơn, sau khi bài báo được công bố, ban biên tập phát hiện những thay đổi đáng ngờ trong danh sách tác giả trong quá trình chỉnh sửa bản thảo.
Cụ thể, tên của hai tác giả May Alashwal và Sami Ghazali đã được thêm vào bài báo mà không kèm theo giải thích và không nhận được sự chấp thuận của ban biên tập. Điều này vi phạm chính sách của tạp chí về thay đổi danh sách tác giả.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, bài báo vừa bị gỡ nêu trên có chín tác giả ghi địa chỉ tám nước và vùng lãnh thổ với chuyên môn rất khác nhau, dường như không liên quan gì đến nhau, từ kỹ thuật hóa học và công nghiệp dầu khí, dược lý, hóa thực phẩm, khoa học sức khỏe và phục hồi chức năng, vật lý trị liệu đến khoa học máy tính, kỹ thuật cơ khí và vật liệu.
Đáng chú ý, gần như tất cả các đồng tác giả của Nguyễn Hoàng Chinh trong bài báo này đều từng có những bài khác bị gỡ với nhiều nghi vấn gian lận. Đặc biệt, rất nhiều bài có tên các đồng tác giả này đều đã được rao bán các vị trí tác giả trên mạng trước khi công bố.
Chẳng hạn, đồng tác giả Dmitry Olegovich Bokov (Nga) từng bị gỡ bốn bài do gian lận tác giả, đạo văn và những nghi vấn khác.
Một trong bốn bài của Dmitry Olegovich Bokov bị gỡ là nghiên cứu thuộc lĩnh vực vật liệu và điện tử nano có tên ba tác giả Việt Nam không có chuyên môn liên quan, gồm “đầu nậu” Đinh Trần Ngọc Huy (ghi địa chỉ Trường đại học Ngân hàng TP.HCM), Nguyễn Đình Trung (Trường đại học Kinh tế quốc dân, tác giả đầu) và Hoàng Văn Thức (Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên).
Tuổi Trẻ đã phản ánh trường hợp gỡ bài này hồi tháng 9-2023.
Đồng tác giả Lakshmi Thangavelu (Ấn Độ) chuyên làm dịch vụ môi giới mua bán bài, đã bị Retraction Watch phản ánh. Người này từng bị gỡ ít nhất sáu bài do gian lận tác giả. Đầu nậu Đinh Trần Ngọc Huy cũng có bài đứng tên chung với Lakshmi Thangavelu về lĩnh vực sinh học không phải chuyên môn của Huy.
Đồng tác giả Walid Kamal Abdelbasset (Saudi Arabia và Ai Cập) từng bị gỡ 11 bài và một bài khác bị thể hiện quan ngại do nghi vấn mua bán vị trí tác giả, nhiều tác giả được thêm vào bài trong quá trình chỉnh sửa bản thảo mà không kèm theo giải thích và không nhận được sự chấp thuận của các tạp chí…
Ngoài bài báo vừa bị tạp chí Journal of Molecular Liquids gỡ bỏ, ít nhất 10 bài khác của ông Chinh cũng có chung các đặc điểm như danh sách tác giả gồm nhiều người ghi địa chỉ nhiều nước với chuyên môn rất khác nhau, các tác giả từng bị gỡ bài do tham gia hoạt động mua bán bài, gian lận trích dẫn hoặc các hành vi khác vi phạm liêm chính khoa học.
Quả cầu vàng trẻ nhất với 38 bài báo
TS Nguyễn Hoàng Chinh từng là giảng viên ngành công nghệ sinh học thuộc khoa Khoa học ứng dụng Trường đại học Tôn Đức Thắng từ tháng 8-2015 đến tháng 11-2022 trước khi chuyển sang làm nghiên cứu viên tại Đại học Deakin, Úc.
Khi còn làm việc tại Trường đại học Tôn Đức Thắng, ông Chinh được trường này cấp học bổng học thạc sĩ tại Đài Loan (Trung Quốc).
Năm 2020, với 38 bài báo quốc tế, TS Nguyễn Hoàng Chinh khi ấy vừa tròn 30 tuổi đã trở thành nhà khoa học trẻ nhất trong số những người được vinh danh giải thưởng Quả cầu vàng trong năm.
Đây là giải thưởng thường niên do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức, nhằm tôn vinh các tài năng trẻ có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Hiện nay, trên website giới thiệu giải thưởng Quả cầu vàng, trong danh sách “Một số gương mặt Quả cầu vàng tiêu biểu” có tên TS Nguyễn Hoàng Chinh (QCV2020) Đại học Deakin, Úc ở hạng mục “Công tác tại các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu ở nước ngoài”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về bài báo bị gỡ, TS Nguyễn Hoàng Chinh giải thích: “Tôi chỉ là tác giả phụ nên các quá trình liên quan tới viết bài, gửi bài, bình duyệt, chỉnh sửa bài báo tôi hoàn toàn không tham gia.
Lý do nêu bài báo bị rút là do có thêm tác giả vào bài báo trong quá trình chỉnh sửa bài báo nhưng không qua ban biên tập. Việc này tôi cũng hoàn toàn không biết vì chỉ là tác giả phụ và đóng góp rất ít vào bài báo (tôi chỉ tham gia hỗ trợ trong việc thảo luận đưa ra phương pháp nghiên cứu).
Do đó, mọi việc trong quá trình viết bài, nộp bài và bình duyệt đều do tác giả liên hệ quyết định. Tạp chí cũng chỉ liên hệ với tác giả liên hệ của bài báo trong suốt quá trình bình duyệt. Tôi tin rằng tác giả liên hệ đã tự ý thêm tác giả khác vào bài báo mà không thông qua ban biên tập tạp chí và cả các tác giả phụ”.
Cũng theo ông Chinh, Chia-Hung Su là một trong những giáo sư tham gia hướng dẫn khi ông học tập tại Đài Loan. Đó là lý do trong các bài báo của Chinh đều có tên Chia-Hung Su là tác giả liên hệ.
Từ năm 2021, ông Su bắt đầu có hợp tác với các nhóm nghiên cứu khác. Sau khi tốt nghiệp từ Đài Loan và về Việt Nam làm việc (từ năm 2020), ông Chinh vẫn hợp tác nghiên cứu với ông Su cho đến hiện tại.
TS Nguyễn Hoàng Chinh: Tôi không tham gia viết bài
Đầu năm 2024, khi báo chí Việt Nam phản ánh, tôi mới biết được có các nhóm tác giả đáng ngờ trong hoạt động nghiên cứu.
Tôi chỉ thảo luận các phương pháp nghiên cứu với GS Chia-Hung Su, còn việc thầy có hợp tác với nhóm nào khác tôi hoàn toàn không biết vì lúc đó tôi đã về Việt Nam. Tôi tin rằng vì mình là học trò của GS Su nên thầy đã đưa tên tôi vào các bài báo mà thầy tham gia hợp tác với các nhóm tác giả khác mặc dù vai trò của tôi trong các nghiên cứu này rất nhỏ.
Thực tế tôi không tham gia viết bài và nộp bài nên không nắm được. Ngay cả khi việc bài báo đã được đăng tôi cũng hoàn toàn không biết. Sau này biết được mình có tên trong các bài báo đó tôi đã chủ động hỏi lại GS Su và mới biết thầy đã chủ định đưa tên vào vì cho rằng tôi có tham gia thảo luận các phương pháp nghiên cứu.
Tuy nhiên nhận thấy điều này không hay, vì tôi không tham gia viết bài hay kiểm tra nội dung bài, nên tôi đã chủ động yêu cầu GS Su không đưa tên tôi vào bài báo nào nữa. Sau này tôi không còn có tên trong bài nào khác trong sự hợp tác của GS Su với nhóm tác giả đó.
Rao bán trên Facebook
Đồng tác giả Chia-Hung Su (Đài Loan) trong bài báo bị gỡ cũng là người đăng bài chung nhiều nhất với Nguyễn Hoàng Chinh. Hai người này đã đứng tên chung trong ít nhất 36 bài báo, chiếm hơn một nửa tổng số khoảng 70 bài của ông Chinh. Trong đó có bài từng được rao bán trước khi công bố.
Cụ thể, ngày 28-8-2021 một mẩu quảng cáo đã được đăng trên Facebook rao bán vị trí tác giả thứ hai của bài báo có tiêu đề và phần tóm tắt đều giống hệt bài báo của nhóm tác giả Chinh và Su đăng trên tạp chí Journal of Materials Research and Technology (xuất bản online ngày 29-9-2021, hơn một tháng sau khi rao bán vị trí tác giả).