Trong số 16 VĐV Việt Nam tham dự Olympic 2024, Trần Thị Nhi Yến (điền kinh) và Võ Thị Mỹ Tiên (bơi) là hai người trẻ nhất với cùng 19 tuổi. Đến với Olympic 2024 theo suất đặc cách, mục tiêu khả dĩ nhất của Nhi Yến và Mỹ Tiên là vượt qua chính mình.
Và Mỹ Tiên đã làm được điều này ở vòng loại 200m hỗn hợp nữ với thời gian 2 phút 17 giây 18. Đây là thông số cá nhân tốt nhất của cô kể từ sau thành tích HCB trẻ châu Á hồi tháng 2 vừa qua.
Trong khi đó, Nhi Yến chưa thể vượt ngưỡng ở nội dung 100m nữ với thành tích 11,79 giây, xếp thứ 7 vòng loại. Thông số này kém xa so với thành tích cá nhân tốt nhất của cô là 11,40 giây – kỷ lục trẻ quốc gia và giành HCB U20 châu Á 2024.
Nhưng vượt lên trên cả thành tích, điều lớn nhất mà cả hai VĐV trẻ có được chính là những trải nghiệm thi đấu ở Olympic. Những tích lũy ở đại hội thể thao lớn nhất hành tinh này sẽ là hành trang hướng tới sự phát triển tốt hơn cho sự nghiệp của cả hai.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Nhi Yến thừa nhận cô có đôi chút “cóng” khi thi đấu với các VĐV hàng đầu thế giới và xung quanh là tiếng hò reo náo nhiệt từ khán đài. “Lúc tiến vào làn chạy vòng loại, tôi không nghĩ mình được thi đấu cùng những VĐV hàng đầu như đương kim vô địch thế giới Sha’Carri. Sức hút của nhà vô địch có khác, khán đài hò reo, huyên náo. Tôi cảm giác khó thở, lạ lẫm. Hy vọng trong tương lai tôi sẽ rèn giũa được sự tự tin như những chân chạy hàng đầu thế giới”, Nhi Yến nói.
Theo HLV điền kinh Nguyễn Thị Thanh Hương, những trải nghiệm ở Olympic 2024 sẽ giúp Nhi Yến có thêm những kinh nghiệm về duy trì nhịp độ thi đấu. “Đấu trường Olympic quá lớn với Nhi Yến. Mọi thứ đều diễn ra nhanh hơn các giải thế giới hay châu lục. Sau đợt chạy sơ loại, Yến chỉ có khoảng 20 phút để chuẩn bị cho đợt chạy vòng loại”, HLV Hương nói.
Kinh nghiệm thi đấu ở Olympic là bài học lớn cho các VĐV Việt Nam. Nhưng để tiến xa hơn, họ cũng cần thêm những phương pháp khoa học, công nghệ áp dụng vào quá trình tập luyện.
Trước thềm Olympic 2024, ông Đặng Hà Việt – trưởng đoàn thể thao Việt Nam, cục trưởng Cục Thể dục thể thao – cũng thừa nhận: “Với Olympic, việc đầu tư trọng điểm hay ứng dụng khoa học công nghệ của chúng ta còn hạn chế và cần tiếp tục đầu tư trong thời gian tới”.