Hãng thông tấn Yonhap dẫn số liệu của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết tổng số trường hợp tử vong do tự tử từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay ở Hàn Quốc là 6.375 ca, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo phân tích của chính phủ Hàn Quốc, các yếu tố gồm áp lực xã hội, gánh nặng kinh tế, các rối loạn về tâm thần như trầm cảm và lo âu sau đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến người dân nước này, đẩy tỉ lệ tự tử lên cao.
Ngoài ra, số ca tử vong do “hiệu ứng cánh bướm” (Butterfly Effect), tức những “dư chấn” để lại sau khi một vụ tự tử xảy ra. Theo đó, trong vòng bảy đến tám tuần sau khi một người nổi tiếng tự tử hồi cuối năm 2023, giới y tế Hàn Quốc chứng kiến số lượng người tự tử tăng đột biến.
Cho đến nay, tỉ lệ tự tử của Hàn Quốc vẫn ở mức cao nhất nhì trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nói riêng, cũng như trên toàn thế giới nói chung.
Tuy vậy, con số này vẫn tiếp tục tăng không ngừng trong vòng nửa đầu năm 2024.
Trước tình trạng nguy cấp này, chính phủ Hàn Quốc và các tổ chức tư nhân đã tổ chức một cuộc họp hôm 6-8 để thảo luận về cách ứng phó với vấn đề tự tử, trong bối cảnh số ca tử vong do tự tử trong năm 2024 dự kiến sẽ tăng so với năm 2023.
Nhiệm vụ chính của chính phủ bao gồm thúc đẩy các thông điệp ngăn ngừa tự tử, cải thiện quy trình báo cáo các vụ tự tử, triển khai giáo dục bắt buộc phòng chống tự tử và tăng cường xác định các nhóm người có nguy cơ tự tử cao.
Song song với nỗ lực của chính phủ, các tổ chức tư nhân cũng cần thúc đẩy truyền bá những thông điệp tích cực, đồng thời phối hợp với bảy giáo phái, tôn giáo lớn ở Hàn Quốc để tổ chức các dự án, chiến dịch phòng chống tự tử nhắm vào giới trẻ.