Những năm gần đây, việc giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy ở Việt Nam đã mang lại những hiệu ứng tích cực trong việc dạy và học tiếng Anh. Nhưng do khác biệt văn hóa Đông – Tây nên một số giáo viên bản ngữ dạy tiếng Anh ở Việt Nam gặp không ít rắc rối.
Đó là gì?
Dưới đây là chia sẻ của thầy giáo Lê Tấn Thời, giáo viên Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn, huyện Chợ Mới, An Giang.
Thời gian qua, việc những giáo viên nước ngoài tham gia dạy tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ hay các cơ sở giáo dục đã trở nên quen thuộc với học sinh, phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo.
Có nhiều cơ sở giáo dục xem đây là một trong những tiêu chí để thu hút người học và mang lại thương hiệu của riêng mình trong công tác tuyển sinh.
Tuy nhiên, những hoạt động sư phạm cũng như trải nghiệm trong và ngoài nhà trường liên quan đến việc giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh có nhiều điều đáng để suy ngẫm.
Ở góc độ sư phạm, giáo viên nước ngoài đã mang lại những hiệu ứng tích cực trong việc dạy và học tiếng Anh. Học sinh sẽ có điều kiện trau dồi kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ…
Ở góc độ trao đổi văn hóa, người học sẽ có thêm những trải nghiệm bởi những kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ trong khi thực hành và dần thẩm thấu được những cái hay, cái đẹp của một nền văn hóa khác trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, thực tế đã có những rắc rối do khác biệt văn hóa Đông – Tây.
Trong đó có những sự việc người phương Tây xem là bình thường nhưng với người phương Đông đây lại là những vấn đề tế nhị.
– “Con bao nhiêu tuổi?”, “Có gia đình chưa?”, “Mỗi tháng lương được bao nhiêu?”…
Những câu hỏi này với người Việt là rất bình thường nhưng với người nước ngoài đây là việc không nên.
Ngược lại, với phụ huynh người Việt, cũng có những câu hỏi “khó đỡ” mà bản thân các thầy cô giáo bản ngữ không biết trả lời sao!
“Thầy giáo gì mà xăm mình, lại đeo bông tai!”, đó là lời nhận xét của một phụ huynh khi gặp thầy giáo người nước ngoài đang giảng dạy tiếng Anh tại trường con trai mình.
“Nếu các cháu bắt chước thầy xăm mình thì sao?”; “Đã là thầy giáo thì phải chỉn chu và mực thước”…, một phụ huynh khác nêu ý kiến.
Hình thức không phản ánh nội dung. Những giờ học của thầy cô giáo bản ngữ rất sinh động, nhưng khổ nỗi có nhiều học sinh và ngay cả phụ huynh “dị ứng” với dáng vẻ bên ngoài của các thầy.
Đó là một trong những trở ngại của thầy cô giáo bản ngữ.
Để dung hòa sự khác biệt về văn hóa, thiết nghĩ bên cạnh kiến thức, phương pháp, kỹ năng giảng dạy…, giáo viên bản ngữ cần tham gia khóa đào tạo cũng như phải có những hiểu biết cơ bản về văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt Nam để thích ứng với môi trường sư phạm.
“Nhập gia tùy tục” – những người nước ngoài muốn giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam sẽ hiểu được ý nghĩa của câu nói này thông qua chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh.