Theo bác sĩ Lâm Nguyễn Thùy An – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, nếu một người đã từng trải qua một cơn đột quỵ, việc học cách thực hiện các công việc hằng ngày cơ bản như: ăn uống, mặc quần áo… có thể là một trở ngại khá lớn.
Mặc dù những hoạt động ở tay có thể đã được phục hồi một phần, nhưng vẫn còn những khó khăn về sức mạnh và độ khéo léo ở tay. Điều này khiến cho việc cầm nắm và sử dụng các đồ vật thường ngày trở nên khó khăn hơn.
Bác sĩ An hướng dẫn một số bài tập tay và bàn tay giúp phục hồi sau đột quỵ để người bệnh lấy lại sức mạnh và độ khéo léo của tay và bàn tay.
Bài tập 1: Nắm bóng
Giữ chặt quả bóng trong lòng bàn tay. Bóp, giữ và thư giãn. Lặp lại 10 lần cho hai lượt.
Bài tập 2: Chạm ngón tay
Đưa đầu ngón trỏ chạm vào đầu ngón cái để tạo thành một vòng tròn. Kẹp lại, sau đó thả ra. Lặp lại với ngón giữa, ngón đeo nhẫn và ngón út. Kẹp lại, sau đó thả ra.
Thực hiện với mỗi ngón tay hai lượt.
Bài tập 3: Kẹp và thả bút
Đặt một cây bút bên cạnh bàn, sau đó nhẹ nhàng kẹp nó bằng các ngón tay bị yếu. Trượt cây bút qua bàn, sau đó thả ra.
Lặp lại 10 lần cho hai lượt.
Bài tập 4: Duỗi cổ tay
Nắm lấy chai nước bằng tay bị yếu và dùng tay khỏe để đỡ và hỗ trợ cánh tay bị yếu. Đặt tay cầm chai sao cho lòng bàn tay hướng xuống, sau đó duỗi cổ tay.
Lặp lại 10 lần cho hai lượt.
Bài tập 5: Kẹp ngón tay
Kẹp đất sét giữa từng ngón tay và ngón cái. Bấm chặt 2 ngón tay vào với nhau.
Lặp lại 10 lần cho mỗi ngón tay cho hai lượt.
Bài tập 6️: Kẹp ba ngón
Sử dụng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa kéo đất sét lên. Lặp lại 10 lần cho hai lượt.
Bài tập 7: Duỗi ngón cái
Gập ngón cái và quấn đất sét quanh nó. Cố gắng duỗi thẳng ngón cái như thể làm cử chỉ “thích”.
Lặp lại 10 lần cho hai lượt.
Bài tập 8: Mở rộng ngón tay
Quấn đất sét quanh hai ngón tay và cố gắng tách các ngón tay ra xa nhau.
Lặp lại 10 lần cho hai lượt.
Bài tập 9️: Bóp bên
Đặt bóng giữa hai ngón tay bất kỳ. Bóp hai ngón tay lại, giữ và thư giãn.
Lặp lại 10 lần cho hai lượt.
Bài tập 10: Chạm ngón
Đặt bóng vào lòng bàn tay, đưa ngón cái về phía gốc ngón út.
Lặp lại 10 lần cho hai lượt.
Theo bác sĩ Thùy An, việc tập luyện vật lý trị liệu sau đột quỵ rất quan trọng và có ích cho sự hồi phục của người bệnh.
Tập vật lý trị liệu giúp cải thiện sức mạnh, linh hoạt và sự cân đối của cơ thể, từ đó giúp người bệnh phục hồi chức năng của cơ bắp và hệ thần kinh. Đồng thời, việc tập luyện còn giúp ổn định tâm lý, giảm căng thẳng và nâng cao tinh thần cho người bệnh sau những cảm xúc trầm trọng sau đột quỵ.
Nhận biết dấu hiệu đột quỵ qua quy tắc BE – FAST
Theo bác sĩ Sabrina Stefanizzi Debuc – Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội: “Hãy ghi nhớ quy tắc BE-FAST. Đây là một phương pháp đơn giản và dễ nhớ giúp bạn nhận diện triệu chứng đột quỵ và ứng phó kịp thời”.
B (Balance = Thăng bằng): Diễn tả triệu chứng khi bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.
E (Eyesight = Thị lực): Thể hiện bệnh nhân bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của một hoặc cả hai mắt.
F (Face = Mặt): Sự biến đổi khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung lệch, thể hiện rõ khi bệnh nhân cười hay mở miệng lớn.
A (Arm = Tay): Bệnh nhân khó hoặc không thể cử động tay chân, tê hoặc yếu liệt một bên cơ thể.
S (Speech = Giọng nói): Bệnh nhân khó nói, nói đớ, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.
T (Time = Thời gian): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến trung tâm cấp cứu đột quỵ để được điều trị kịp thời.
“Hãy gọi cấp cứu ngay nếu bạn hoặc người thân có dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ, kể cả khi triệu chứng đã xuất hiện và hết hoàn toàn. Việc điều trị sớm và đúng phương pháp sẽ tối ưu nhất khả năng phục hồi cho bệnh nhân” – bác sĩ Sabrina nhấn mạnh.