Nghiên cứu, công bố trên tạp chí Nature Climate Change, chỉ ra nhiệt độ toàn cầu nóng lên gần đây đang khiến cháy rừng xảy ra ở nhiều khu vực trên thế giới, đồng thời gây ra cái chết cho hơn 12.000 người mỗi năm do hít phải khói từ những đám cháy.
Trước đó, một nghiên cứu khác do tiến sĩ Park Chae Yeon từ Viện Nghiên cứu môi trường quốc gia Nhật Bản dẫn đầu, ước tính trong những năm 2010, gần 100.000 người đã tử vong mỗi năm do hít phải khói từ các vụ cháy chứa các hạt bụi mịn PM2.5 – loại bụi có thể xâm nhập vào phổi và hệ thống tuần hoàn của cơ thể.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét ba mô hình về thực vật và cháy rừng dưới điều kiện khí hậu hiện nay và so sánh chúng với mô hình thứ tư, loại bỏ tất cả các tác động của biến đổi khí hậu.
Bất chấp sự khác nhau trong kết quả nghiên cứu, các tác giả từ tám quốc gia, trong đó có Anh, Mỹ, Đức và Trung Quốc, đều đồng thuận rằng sự nóng lên toàn cầu đang dẫn đến gia tăng số ca tử vong liên quan đến việc hít phải bụi mịn PM2.5 từ các vụ cháy rừng.
Các tác giả nghiên cứu cũng tin rằng tác động từ các vụ cháy rừng đến sức khỏe con người có thể đã bị đánh giá thấp hơn thực tế.
Điều này khá nguy hiểm do độ độc hại của các hạt bụi sinh ra trong lửa nghiêm trọng hơn so với các nguồn ô nhiễm khác.
Giáo sư Hilary Bambrick, giám đốc Trung tâm Dịch tễ học và Sức khỏe dân số tại Đại học Quốc gia Úc, cho biết hàng triệu người ở Úc đã phải tiếp xúc với ô nhiễm khói nguy hiểm và kéo dài trong các vụ cháy diễn ra vào mùa hè năm 2019 và 2020.
“Điều này dẫn đến hàng trăm ca tử vong vào thời điểm đó và nhiều khả năng gây ra các hậu quả sức khỏe lâu dài cho nhiều người”, ông nói.
Một nghiên cứu khác do các nhà khoa học từ Anh và Bỉ thực hiện phát hiện biến đổi khí hậu đang làm tăng nguy cơ cháy rừng, đặc biệt ở các quốc gia như Úc, Siberia và khu vực đồng cỏ xavan ở châu Phi.
Ở một số khu vực, nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ cháy rừng là nhiệt độ tăng cao, trong khi những nơi khác lại ghi nhận yếu tố độ ẩm thấp.