Cách làm của anh em Quảng Trị hay quá. Vậy một câu lạc bộ (CLB) tiếp sức cho con em nghèo xứ Quảng Nam quê mình, tại sao không? Ý tưởng ấy lập tức được ủng hộ. Và CLB Tiếp sức đến trường Quảng Nam – Đà Nẵng ra đời, thoáng cái mà 20 năm.
Cuộc trò chuyện cùng những người có ý tưởng thành lập CLB từ những ngày đầu và vẫn tiếp tục gắn bó đến hiện tại, ông Phạm Phú Tâm – nguyên tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, chủ nhiệm CLB và ông Lê Hoàng – nguyên tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phó chủ nhiệm CLB – vẫn toát lên tinh thần của những người nhóm và cần mẫn giữ ngọn lửa ân tình.
Lời hứa 20 năm sẽ còn tiếp tục
* Các thành viên CLB đã tìm thấy nhau như thế nào, thưa ông?
– Ông Lê Hoàng: Năm 2003, báo Tuổi Trẻ khởi sự học bổng Tiếp sức đến trường, CLB Nghĩa tình Quảng Trị cũng ra đời hỗ trợ cho con em quê Quảng Trị. Là một người con đất Quảng Nam, tôi thấy cần phải nhân nó ra cho con em quê mình.
Khi đó, tôi rủ một số anh em thân quen, anh Võ Như Lanh – tổng biên tập Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, anh Phạm Phú Tâm lúc ấy trong ban biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, họa sĩ biếm Đông Ki-Rét. Doanh nhân có các anh Lê Hùng Mạnh, Thân Đức Cường, Thân Hải Thanh, Nguyễn Quý Cáp, Nguyễn Tân và các chị Phan Thị Ngọc Anh, Kiều Thị Kim Lan… Mọi người đồng ý ngay khi tôi nói ý tưởng thành lập CLB, và nhanh chóng lập ra ban chủ nhiệm. Khi ấy anh Lê Hùng Mạnh đã xung phong lãnh vai trò chủ nhiệm.
* Và sự đồng hành ấy đến nay đã tròn 20 năm…
– Ông Lê Hoàng: CLB đã phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình Tiếp sức đến trường ngay tại hội trường tỉnh Quảng Nam với 42 học bổng (3 triệu đồng/suất) trong lần trao đầu tiên.
Năm tiếp theo tăng lên 50, rồi 100, 150 suất. Số tiền mỗi suất cũng tăng lên 5, 10 rồi hiện nay là 15 triệu đồng. Từ chục người, đến nay CLB đã đến gần 200 thành viên.
Trong lễ trao lần đầu tiên ở Quảng Nam, tôi thay mặt CLB phát biểu, mọi người cùng hứa với nhau một điều rằng cố gắng không để bất cứ học sinh nào đậu đại học mà vì hoàn cảnh ngặt nghèo phải bỏ học, không bỏ một học trò khó khăn nào lại phía sau.
Đó là lời hứa chúng tôi vẫn luôn giữ 20 năm qua, cũng là phương châm của chương trình Tiếp sức đến trường.
Những người con Quảng Nam xa quê học tập, lập nghiệp phần lớn xuất thân đều khó khăn, nhiều người từng nhận được sự giúp đỡ nào đó của người đi trước. Truyền thống của những người đất Quảng vào Nam lập nghiệp là người đi trước rước người đi sau nên cũng hình thành trong họ suy nghĩ phải giúp cho những em cháu sau này.
Chai nước “tiếp sức” trên đường chạy cuộc đời
* Một hành trình kiên trì, những người con xứ Quảng xa quê đã làm được điều mình mong muốn?
– Ông Phạm Phú Tâm: 2.352 suất học bổng với số tiền 24,5 tỉ đồng được trao cho tân sinh viên mà nói vui là “ngấp nghé triệu đô”. Có thể con số không nhỏ, nhưng cá nhân tôi luôn tâm niệm học bổng chỉ như chai nước “tiếp sức” vào lúc các cháu đang cần nhất.
Mỗi cháu đều có hành trình cuộc đời rất dài. Điều quan trọng vẫn là nghị lực sẵn có trong từng cháu.
Dẫu khó khăn, các cháu đã kiên trì học hành để vào được đại học là một sự nỗ lực. Tôi rất thích từ “tiếp sức” của chương trình. Nói hình tượng thì như trong cuộc chạy marathon, ngay thời điểm người chạy đã đuối lại nhận được chai nước để có thể chạy tiếp.
Vào đại học, các cháu rất mừng, nhưng đối diện ngay với sự khắc nghiệt rằng nếu không thể lo được cho học kỳ đầu tiên, nhiều cháu sẽ bỏ cuộc. Thế nên chúng tôi vẫn cho rằng học bổng có ý nghĩa về mặt thời điểm chứ hoàn toàn không lớn.
* Động lực nào để các thành viên vẫn sát cánh bên nhau cho chặng đường vừa qua và sẽ còn đi tiếp như mọi người đã cam kết cùng nhau?
– Ông Phạm Phú Tâm: Quảng Nam là một vùng đất nghèo, khó khăn về mặt tự nhiên nhưng nhiều cháu rất hiếu học và nỗ lực. Chính các cháu cũng cảm nhận được là nếu không học hành, điều kiện để có cuộc sống tốt hơn sẽ rất hạn chế.
Thế hệ chúng tôi không ít người trải qua chiến tranh, tham gia chiến đấu, nhưng đôi lúc thấy hoàn cảnh của nhiều cháu hiện nay còn khó hơn. Dù không khốc liệt như chiến tranh, nhưng các cháu lại bế tắc từ điều kiện đến hoàn cảnh gia đình. Chính khát khao học hành của các cháu khiến chúng tôi thấy mình cần phải tiếp tục hành trình tiếp sức.
– Ông Lê Hoàng: Người Quảng Nam ở đất Sài Gòn rất nhiều chứ không phải chỉ có mấy chục người trong CLB như ban đầu. Nhưng mấy chục người này tạo nên một tập thể gắn bó, đoàn kết rồi cứ thế mở rộng dần ra.
Chẳng hạn dịp này, anh Tâm Tiến của Trung Nam Group soạn 20 lá thư gửi cho những doanh nghiệp, đối tác sẵn sàng đồng hành với anh và đã vận động được gần 400 triệu đồng. Hay hàng chục năm nay chương trình đều tổ chức trao học bổng ở Palm Garden Resort của gia đình anh Nguyễn Thành Sang tại TP Hội An (Quảng Nam). Chính những điều đó làm cho CLB bền lâu và gắn bó cùng nhau.
Không bỏ ai lại phía sau
“Mong sao các anh chị đã đốt lửa này thì hãy chung tay giữ lửa này mãi mãi. Chúng ta có thể một ngày nào đi xa thật xa nhưng CLB sẽ mãi mãi đồng hành cùng các cháu có hoàn cảnh éo le, ngặt nghèo thế này”. Đó là tin nhắn đầy tâm tư của ông Nguyễn Tâm Tiến, thành viên CLB Tiếp sức đến trường Quảng Nam – Đà Nẵng, gửi vào group của CLB cùng link bài viết về tân sinh viên Lê Thảo Duyên được báo Tuổi Trẻ giới thiệu trong chương trình Tiếp sức đến trường năm nay mà ông đọc xong.
Ông Lê Hoàng cho chúng tôi xem tin nhắn ấy, cũng là câu trả lời cho câu hỏi “CLB có còn giữ được lửa và sẽ tiếp nối hành trình suốt 20 năm qua không?”. Câu trả lời đã quá rõ ràng. Bởi “Không để học trò nghèo đậu đại học mà không thể đến trường” không chỉ là lời hứa, mà trở thành lời cam kết được các thành viên CLB đã và vẫn đồng lòng chia sẻ cùng nhau.
Khó, nhưng mỗi người góp một ít
Ông Phạm Phú Tâm cho biết đến thời điểm này vẫn chưa huy động được đủ nguồn tiền cho học bổng năm nay. Một số doanh nghiệp trước đây rất rộng rãi hiện cũng hạn hẹp hơn do tình hình kinh tế khó khăn chung.
Dẫu vậy, CLB vẫn đang rất cố gắng để không giảm số suất học bổng dự tính trao. Có khó nhưng mỗi người góp một ít, đều tìm cách để cùng chia sẻ là sẽ làm được.
Ông Tâm cho biết thay vì tập trung vào một số nhà tài trợ hay doanh nghiệp lớn, CLB đã mở rộng ra, mời thêm một số anh chị em ở hội đồng hương các nơi. Chính họ vừa cung cấp thông tin về những trường hợp khó khăn mà họ biết và vừa đóng góp, tiếp thêm nguồn lực cho CLB. Điều đáng quý là gần 200 thành viên CLB đều đã từng đóng góp một hoặc nhiều lần.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.
Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình