Theo báo New York Times, một số quan chức Mỹ thạo tin khẳng định số máy nhắn tin của thành viên lực lượng Hezbollah phát nổ hôm 17-9 được tổ chức này đặt hàng từ công ty Gold Apollo (Đài Loan).
Máy nhắn tin phát nổ có nhãn hiệu Đài Loan
Những chiếc máy trên đã bị can thiệp bằng cách cấy vật liệu nổ và thiết bị kích nổ từ xa vào cạnh viên pin. Thiết bị nổ được sử dụng có trọng lượng nhẹ chỉ từ 28 đến 56g. Thời điểm can thiệp chắc chắn là trước khi chúng được nhập vào Lebanon.
Một quan chức cấp cao của Lebanon khẳng định những thiết bị trên bị cơ quan tình báo Israel Mossad can thiệp “từ khâu sản xuất”.
“Mossad đã cấy bảng mạch chứa vật liệu nổ vào bên trong thiết bị. Rất khó để phát hiện chúng bằng bất kỳ cách nào, kể cả với thiết bị chuyên dụng hay máy quét”, quan chức trên tuyên bố.
Hiện chưa rõ số lượng chính xác máy nhắn tin bị ảnh hưởng. Giới chức Mỹ khẳng định đến nay Hezbollah đã đặt Gold Apollo tổng cộng hơn 3.000 máy nhắn tin. Trong khi đó, nguồn tin nội bộ Lebanon lại khẳng định số lượng máy nhắn tin đã nhập vào nước này có thể lên đến 5.000 chiếc.
Hầu hết trong đó được chia cho các thành viên Hezbollah hoạt động khắp lãnh thổ Lebanon. Một số còn lại được gửi cho các đồng minh của tổ chức ở Iran và Syria.
Hiện chưa có thông báo về việc máy nhắn tin phát nổ bên ngoài lãnh thổ Lebanon.
Khoảng 15h30 chiều 17-9, thiết bị kích nổ nêu trên được kích hoạt. Ban đầu những chiếc máy nhắn tin hiện thông báo nhận tin nhắn từ lãnh đạo Hezbollah. Tuy nhiên ngay sau đó, chúng bất ngờ phát nổ.
Bộ trưởng Y tế Lebanon cho biết tính đến nay đã có ít nhất 11 người thiệt mạng và hơn 2.700 người bị thương.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Hezbollah tuyên bố cuộc tấn công là do Israel chủ mưu. Tel Aviv hiện chưa đưa ra phản hồi chính thức về những cáo buộc trên.
Gold Apollo tuyên bố không liên quan
Ngày 18-9, nhà sáng lập công ty Gold Apollo, ông Hsu Ching Kuang, khẳng định những chiếc máy nhắn tin phát nổ không do công ty này sản xuất.
Ông Hsu cho biết những thiết bị trên được gia công bởi một công ty tại châu Âu được Gold Apollo ủy quyền sử dụng thương hiệu doanh nghiệp này.
Nhà sáng lập Gold Apollo tuyên bố: “Những sản phẩm đó không phải của chúng tôi. Chỉ là chúng có in nhận diện thương hiệu của chúng tôi trên thân. Gold Apollo cũng là nạn nhân của vụ việc. Chúng tôi là công ty có trách nhiệm. Đây là vụ việc rất đáng xấu hổ”.
Cũng trong sáng 18-9, cơ quan kinh tế Đài Loan tuyên bố pin được dùng trong máy nhắn tin là pin tiểu thông thường và không có bằng chứng hồ sơ, chứng từ cho thấy Gold Apollo xuất thẳng máy nhắn tin sang Lebanon.
Cơ quan này khẳng định phía Gold Apollo đánh giá những chiếc máy nhắn tin phát nổ đã bị can thiệp sau khi xuất kho.
Hiện chưa rõ tính xác thực quanh những tuyên bố nêu trên của quan chức Lebanon, đại diện Gold Apollo và giới chức Đài Loan.
“Pin không thể nổ mạnh như thế”
Báo New York Times dẫn lời nhiều chuyên gia độc lập khẳng định quy mô những vụ nổ trên cho thấy chúng chắc chắn được gây ra một một loại thiết bị nổ.
Ông Mikko Hypponen, cố vấn về tội phạm mạng cho cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol), khẳng định: “Nhiều khả năng những chiếc máy nhắn tin đã bị can thiệp để phát nổ. Quy mô và cường độ những vụ nổ cho thấy chúng không thể chỉ là nổ pin đơn thuần”.
Bà Keren Elazari, chuyên gia nghiên cứu an ninh mạng tại ĐH Tel Aviv (Israel), khẳng định các cuộc tấn công bằng máy nhắn tin đánh thẳng vào điểm yếu chí mạng của Hezbollah.
“Họ đã đánh vào ‘gót chân Achilles’ của Hezbollah khi nhắm vào phương thức liên lạc chủ chốt. Chúng tôi đã thấy nhiều trường hợp các thiết bị như máy nhắn tin bị can thiệp nhưng chưa từng thấy một cuộc tấn công tinh vi như thế”, bà Elazari nhận định.
Hồi đầu năm 2024, Hezbollah chuyển sang sử dụng máy nhắn tin thay vì điện thoại thông minh để liên lạc do lo ngại các thiết bị công nghệ cao có thể bị quân đội Israel tấn công, chiếm quyền kiểm soát hoặc theo dõi định vị.