Ông Yunus được trao quyền sau khi làn sóng biểu tình bất mãn với vấn đề kinh tế lan khắp Bangladesh, lật đổ Thủ tướng Sheikh Hasina, người từng chỉ trích ông kịch liệt.
Ông Yunus, 84 tuổi, cùng tổ chức tín dụng vi mô Ngân hàng Grameen của ông, được trao giải Nobel Hòa bình năm 2006 nhờ giúp hàng triệu người ở vùng quê Bangladesh thoát nghèo, bằng cách đưa ra các khoản vay nhỏ trị giá dưới 100 USD. Vì vậy, ông cũng được gọi là “người làm ngân hàng vì dân nghèo”.
Còn Ngân hàng Grameen được ca ngợi vì đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Bangladesh và mô hình này đã được nhiều nước đang phát triển sao chép.
Vì người nghèo Bangladesh
“Con người không được sinh ra để chịu đựng sự khốn khổ của đói nghèo”, ông Yunus từng nói trong bài phát biểu nhận giải Nobel của mình.
Tuy nhiên, sự nổi tiếng khiến ông Yunus trở thành một đối thủ tiềm năng trong mắt cựu thủ tướng Hasina, người từng chỉ trích ông là kẻ “hút máu” người nghèo.
Năm 2007, ông Yunus từng tuyên bố sẽ lập Đảng “Quyền lực công dân” để tham gia chính trường đầy bất ổn của Bangladesh. Ông từ bỏ kế hoạch này vài tháng sau đó, nhưng vẫn là cái gai trong mắt chính quyền.
Theo Hãng tin AFP, ông Yunus vướng vào hơn 100 vụ án hình sự và một chiến dịch bôi nhọ của một cơ quan Hồi giáo do nhà nước đứng đầu cáo buộc ông cổ vũ đồng tính. Chính quyền Bangladesh đã buộc ông rời khỏi Ngân hàng Grameen vào năm 2011.
Tháng 1-2024, ông Yunus và 3 đồng nghiệp bị Tòa án lao động Dhaka kết án 6 tháng tù giam, với cáo buộc công ty do ông thành lập không thành lập quỹ phúc lợi cho người lao động. Cả 4 người đều phủ nhận các cáo buộc và các tổ chức quốc tế chỉ trích cáo buộc có động cơ chính trị.
Theo Văn phòng Tổng thống Mohammed Shahabuddin, sau khi bà Hasina từ chức và chạy ra nước ngoài, ông Shahabuddin đã gặp các thủ lĩnh sinh viên biểu tình và quân đội để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Quyết định được đưa ra là “thành lập một chính phủ lâm thời với… ông Yunus là người đứng đầu”.
Ông Yunus đã chấp nhận đề nghị và sẽ trở về Dhaka sau khi điều trị bệnh ở Paris, Pháp.
Trong ngày 6-8, ông Shahabuddin cũng đã giải tán Quốc hội, mở đường cho việc lập chính phủ lâm thời và tổ chức tổng tuyển cử.
Cuộc biểu tình lật đổ Thủ tướng Hasina xuất phát từ hệ thống hạn ngạch việc làm ưu tiên thuộc lĩnh vực công đối với những gia đình từng tham gia cuộc chiến giành độc lập năm 1971. Chính sách này bị cáo buộc giành việc làm cho các đồng minh trong đảng cầm quyền.
“Đói nghèo xung quanh tôi”
Ông Yunus sinh năm 1940 trong một gia đình khá giả, cha ông là thợ kim hoàn thành đạt ở thành phố ven biển Chittagong. Ông từng nói mẹ ông, người giúp đỡ bất cứ ai gặp khó khăn mà bà biết, là người có ảnh hưởng lớn nhất đến ông.
Ông giành được học bổng Fulbright du học tại Mỹ và trở về ngay sau khi Bangladesh giành độc lập năm 1971. Khi về nước, ông được chọn làm trưởng khoa kinh tế của Đại học Chittagong. Nhưng chứng kiến đất nước vật lộn với nạn đói nghiêm trọng, ông cảm thấy buộc phải hành động thiết thực.
“Đói nghèo xung quanh tôi và tôi không thể quay lưng lại với nó. Tôi cảm thấy khó khăn khi dạy những lý thuyết hay về kinh tế trong lớp học đại học… Tôi muốn làm điều gì đó ngay lập tức để giúp đỡ những người xung quanh mình”, ông nói vào năm 2006.
Sau nhiều năm thử nghiệm các cách cung cấp tín dụng cho những người quá nghèo không đủ điều kiện vay ngân hàng truyền thống, ông thành lập Ngân hàng Grameen vào năm 1983. Theo báo cáo thường niên gần đây nhất vào năm 2020, tổ chức này có hơn 9 triệu khách hàng và hơn 97% người vay là phụ nữ.
Ông Yunus đã giành được nhiều danh hiệu cao quý cho sự nghiệp, trong đó có Huân chương Tự do của tổng thống Mỹ do ông Barack Obama trao tặng.
Mỹ kêu gọi Bangladesh tuân thủ nguyên tắc dân chủ
Ngày 6-8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Bangladesh tôn trọng nền dân chủ sau khi ông Yunus được chỉ định làm lãnh đạo chính phủ lâm thời.
“Bất kỳ quyết định nào chính phủ lâm thời đưa ra đều cần tôn trọng các nguyên tắc dân chủ, cần duy trì nhà nước pháp quyền, cần phản ánh ý chí của người dân”, ông Blinken nói.
Ngoại trưởng Úc Penny Wong cũng kêu gọi tất cả các bên tránh bạo lực.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên giảm leo thang và tôn trọng các quyền phổ thông, đồng thời kêu gọi một cuộc điều tra đầy đủ, độc lập và khách quan về các sự kiện trong những tuần gần đây”, Hãng tin AFP dẫn lời bà Wong nói.