Đây là một trong những hoạt động điểm nhấn của Thủ tướng khi tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan tại thủ đô Vientiane (Lào) từ ngày 8 tới 11-10.
Tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư
Tại ASEAN BIS 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chia sẻ về tình hình kinh tế Việt Nam trước giới doanh nghiệp và đầu tư ASEAN cùng các nước đối tác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong bối cảnh toàn cầu đối diện nhiều khó khăn thách thức, Việt Nam vẫn phải thực hiện chính sách kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực chủ động hợp tác sâu rộng, hiệu quả trên thế giới.
Kinh tế Việt Nam thời gian qua đã đạt những kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Năm 2023, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỉ USD, đứng thứ 34 trong số các nền kinh tế lớn và nhóm 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu; thu nhập bình quân đầu người đạt 4.300 USD.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng GDP đạt 6,82%, thu hút FDI đạt 24,78 tỉ USD, tăng 11,6%, vốn FDI thực hiện đạt 17,3 tỉ USD, tăng 8,9% – mức cao nhất trong 5 năm qua.
Thủ tướng cho biết Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với trên 60 nước, vùng lãnh thổ.
Về khu vực ASEAN, Thủ tướng cho biết Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN và với các đối tác, đồng thời không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Hiện nay, Việt Nam tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược: Hoàn thiện thể chế; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
“Việt Nam đang dành ưu tiên cao cho việc cải thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng chiến lược; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thông tin, sản xuất chip bán dẫn, và chuyển đổi số toàn diện.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cảm ơn doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp, doanh nhân ASEAN đã đến đầu tư, hợp tác tại Việt Nam trong thời gian qua. Ông khẳng định Việt Nam tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy hết khả năng, sự sáng tạo của mình và đồng thời phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
“Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy vai trò kiến tạo với phương châm “chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh”, giảm chi phí tuân thủ, chi phí logistics cho người dân và doanh nghiệp” – ông cam kết.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài tiếp tục đến đầu tư, hợp tác tại Việt Nam trên tinh thần “4 cùng”: “Cùng lắng nghe và thấu hiểu”, “Cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động”, “Cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển”, “Cùng chung niềm vui, hạnh phúc và tự hào”.
ASEAN tự cường không thể thiếu doanh nghiệp tự cường
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức: Cạnh tranh địa chính trị gia tăng, nguy cơ gia tăng xung đột cục bộ; cạnh tranh thương mại gay gắt, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng; tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số…
Ông cho rằng trong bối cảnh khó khăn, ASEAN vẫn thống nhất trong đa dạng, tự lực, tự cường và là tâm điểm của tăng trưởng là điều rất đáng tự hào.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân trong khối ASEAN thực hiện “5 tiên phong”. Thứ nhất, tiên phong đóng góp cho một ASEAN tự cường, tham gia xử lý các vấn đề mới nổi, các vấn đề toàn cầu, toàn dân. “Một ASEAN tự cường không thể thiếu một đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tự cường”.
Thứ hai, doanh nghiệp cần tiên phong thúc đẩy kết nối nền kinh tế gồm kết nối mềm như xây dựng thể chế, chính sách và kết nối cứng về hạ tầng giao thông, hạ tầng số…
Thứ ba, tiên phong thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là trong ứng phó biến đổi khí hậu, già hóa dân số, thiên tai, dịch bệnh và phát triển các lĩnh vực mới nổi, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Thứ tư, tiên phong trong xây dựng hạ tầng chiến lược tại từng quốc gia và kết nối giữa các quốc gia, cụ thể là trong xây dựng chính sách, nâng cao năng lực quản trị, huy động nguồn lực phát triển hạ tầng…
Thứ năm, tiên phong trong hội nhập nội khối ASEAN và với thế giới.
“Không có quốc gia nào có thể một mình giải quyết các vấn đề của thế giới. Các quốc gia phải đề cao chủ nghĩa đa phương. Và doanh nghiệp cũng vậy. Tôi kêu gọi các doanh nghiệp đoàn kết để chung tay đối phó với các vấn đề toàn cầu, không bỏ lại ai ở phía sau” – ông nhấn mạnh.
ASEAN BIS là gì?
ASEAN BIS là diễn đàn liên quan đến doanh nghiệp thường niên lớn nhất của khu vực Đông Nam Á, được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN.
ASEAN BIS 2024 được tổ chức trong 4 ngày từ 8 đến 11-10 tại Vientiane, Lào, với khoảng 800 đại biểu doanh nghiệp tham dự.
Hội nghị tập trung thảo luận về các chủ đề doanh nghiệp khu vực đang quan tâm như chuyển đổi số, phát triển bền vững, an ninh lương thực, khả năng phục hồi sức khỏe, y tế đảm bảo hoạt động doanh nghiệp và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư.