Ngày 8-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Bổ sung quy định về tài sản số, trí tuệ nhân tạo (AI)
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết dự luật đề xuất bổ sung nội dung về tài sản số, trí tuệ nhân tạo (AI) và điều chỉnh nội dung “vi mạch bán dẫn” thành “bán dẫn”.
Trong đó, dự luật dành riêng một chương quy định về trí tuệ nhân tạo (AI) với định hướng đây là một trong các công nghệ số cốt lõi nhất.
Theo đó, dự luật đưa ra định nghĩa, các nguyên tắc quản lý và phát triển, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Dự luật cũng nêu rõ nguyên tắc quản lý và phát triển AI.
Dự luật cũng dành một mục về “tài sản số”. Trong đó nêu rõ là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử.
Cùng với đó, được pháp luật bảo hộ như quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan. Tài sản mã hóa là một loại tài sản số.
Dự luật giao Chính phủ quy định chi tiết loại hình, quản lý tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số hóa tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn; biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phòng chống, ngăn chặn, hạn chế và xử lý các rủi ro liên quan đến tài sản số…
Thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết về trí tuệ nhân tạo (AI), một số ý kiến cho rằng việc quy định như dự thảo luật về cơ bản là hợp lý.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu toàn diện để xây dựng một đạo luật riêng về AI của Việt Nam.
Ủy ban cũng cho rằng việc quy định về tài sản số trong luật này là cần thiết, song quản lý tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Trong đó, cơ quan thẩm tra lưu ý, làm rõ một số nội dung về quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng; biện pháp bảo mật, giao dịch tài sản số, xử lý khiếu nại của người dùng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm quản lý chặt chẽ, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường…
Lần đầu tiên đưa khái niệm tài sản số vào luật
Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói “đây là lần đầu tiên khái niệm tài sản số được đưa vào văn bản pháp lý”.
Tuy nhiên, ông đề nghị thận trọng rà soát, cân nhắc, quy định khái niệm tài sản số vào dự thảo luật, rà soát kỹ về khái niệm và đảm bảo được quy định đồng bộ trong các luật có liên quan.
Ông Mẫn cũng nhấn mạnh dự luật có nhiều khái niệm rất mới, như trí tuệ nhân tạo, tài sản số, tài sản mã hóa…
Do đó cần chuẩn hóa, thống nhất cách hiểu xuyên suốt trong luật; cùng với đó tuyên truyền mạnh mẽ để khi luật ra đời thì người dân hiểu, áp dụng thuận lợi.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh bày tỏ đồng tình đưa khái niệm tài sản số trong dự luật. Tuy nhiên bà cho rằng phải nghiên cứu để đồng bộ với Bộ luật Dân sự.
Theo bà Thanh, trong Bộ luật Dân sự chỉ quy định tài sản là vật, là tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, nhưng tài sản số chưa được phân loại thuộc những tài sản quy định ở đây.
Do đó, dự thảo luật quy định tài sản số được pháp luật bảo hộ là quyền tài sản cần phải nghiên cứu để phù hợp với các luật khác trong hệ thống pháp luật.
Bà cũng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để quy định phù hợp với trí tuệ nhân tạo (AI). Bởi đây là lĩnh vực mới, đặt ra nhiều thách thức về quản lý.
Nội dung cần đảm bảo phân định rõ trách nhiệm giữa người sử dụng, nhà cung cấp, bên triển khai; có tiêu chí xác định rõ ràng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nhận định đây là lần đầu tiên khái niệm tài sản số được đề cập trong đạo luật, nhưng nếu không đề cập, ghi nhận sẽ không được, vì đây là xu hướng của thế giới.
Ông đề nghị phải làm rõ thêm nội hàm để đảm bảo tính đồng bộ, vì nội dung này gắn liền với Bộ luật Dân sự, nếu không sẽ dẫn đến cắt nối giữa tài sản số với quy định chung về tài sản. Ông thống nhất quy định về mặt nguyên tắc, bởi thế giới cũng “đang mày mò”.