Nhà đầu tư khó thoái vốn, sao có được ‘kỳ lân’?

Các start-up kết nối với chuyên gia, cố vấn từ Google và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Việt Nam (NIC) trong chương trình Google for Startups 2024 – Ảnh: NIC

Thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới. Đây là yếu tố then chốt giúp kinh tế tư nhân bứt phá và vươn tầm quốc tế. Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, tạo điều kiện cho các start-up, các “kỳ lân công nghệ” mang tên Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Tổng Bí thư TÔ LÂM (Phát triển kinh tế tư nhân – đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng, Tuổi Trẻ ngày 17-3-2025)

Dù khẩu hiệu “Quốc gia khởi nghiệp” được phát động từ năm 2016, đến nay nhiều start-up Việt vẫn chọn đăng ký pháp nhân ở Singapore để tránh rào cản pháp lý khi huy động và thoái vốn. Làm sao để giữ chân họ ở lại quê nhà?

Hoạt động trong nước, lập pháp nhân ở nước ngoài!

Khi gọi vốn, nhiều start-up Việt thường nhận được câu hỏi: “Bạn đã lập pháp nhân ở Singapore chưa?”. Đây gần như là điều kiện tiên quyết từ nhiều quỹ đầu tư, do hệ thống pháp lý minh bạch của Singapore giúp giao dịch thuận lợi hơn, đặc biệt khi thoái vốn.

Việc lập pháp nhân tại Singapore trở thành “luật bất thành văn” trong giới khởi nghiệp.

Anh Đ., nhà sáng lập một start-up trí tuệ nhân tạo (AI), chia sẻ rằng nhiều nhà đầu tư thẳng thắn từ chối nếu công ty có trụ sở chính ở Việt Nam, vì thoái vốn và chuyển nhượng cổ phần quá phức tạp.

“Không phải start-up nào cũng hấp dẫn đến mức nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro pháp lý. Nếu không, nhà đầu tư sẽ chọn công ty khác hoặc yêu cầu đặt trụ sở tại Singapore”, anh nói.

Thương vụ gọi vốn gần nhất của công ty anh Đ. lẽ ra hoàn tất từ đầu quý 4 năm ngoái, nhưng do thủ tục pháp lý phức tạp, phải đến cuối quý 1 năm nay mới xong. Nhà đầu tư buộc phải thuê dịch vụ tại Singapore để xử lý pháp lý và lập công ty mẹ ở đó.

Theo anh Đ., nhiều quỹ đầu tư nội địa phải “đi đường vòng”, nghĩa là xin đầu tư ra nước ngoài (Singapore), rồi mới giải ngân lại cho start-up Việt.

“Không biết từ khi nào việc start-up Việt đặt trụ sở chính ở Singapore lại trở nên bình thường. Nhiều bên đã lên tiếng, nhưng khung pháp lý mãi không thay đổi”, anh Đ. chia sẻ.

Không chỉ Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp thứ hai Đông Nam Á là Indonesia đối mặt tình trạng tương tự. Ông Putra Muskita, người theo dõi hệ sinh thái khởi nghiệp trong khu vực, cho biết nhiều start-up Indonesia đặt pháp nhân tại Singapore dù chỉ hoạt động trong nước.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) cũng làm tương tự để huy động vốn thuận tiện hơn, do sự phức tạp của quy định địa phương.

“Nhiều quốc gia trong khu vực có hệ thống pháp lý mang tính “ma sát cao”, nghĩa là các luật thường có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau. Đó không phải là điều lý tưởng trong khi Singapore duy trì được sự rõ ràng và nhất quán”, ông Putra Muskita nhận định.

Theo ông Putra Muskita, cả Indonesia và Việt Nam đều là những hệ sinh thái công nghệ non trẻ. Việc thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, ngay cả khi thông qua pháp nhân tại Singapore vẫn là điều tích cực cho quốc gia.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải củng cố nội lực. Các quy định cần được thiết kế để khuyến khích nhà sáng lập xây dựng doanh nghiệp ngay tại quê nhà, giải quyết bài toán địa phương, tạo việc làm cho nền kinh tế.

thoái vốn - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ – Đồ họa: T.ĐẠT

Muốn hút vốn, phải đẩy mạnh cải cách thủ tục

Sau 10 năm đầu tư vào start-up tại Việt Nam và trải qua nhiều thương vụ thoái vốn, ông Eddy Hong, nhà sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans (Hàn Quốc), cho rằng tại Việt Nam, dù tuân thủ quy định, quá trình thoái vốn vẫn chậm và phức tạp do đòi hỏi nhiều thủ tục hành chính.

Theo ông Eddy, một phần nguyên nhân đến từ việc Việt Nam còn ít kinh nghiệm trong các giao dịch cổ phần tư nhân và hệ thống pháp lý phức tạp.

Ngoài ra, sự khác biệt trong kinh nghiệm thực tế và sự hiểu biết của từng cán bộ khiến mỗi loại giao dịch (bán cổ phần, chia cổ tức…) có quy trình riêng, làm gia tăng độ phức tạp.

Ông Trương Hữu Ngữ, luật sư điều hành Vilasia, đưa ra ba lý do chính gồm: thủ tục góp vốn vào công ty Việt Nam phức tạp và kéo dài, rủi ro về giấy tờ thanh toán, tỉ giá… và lo ngại về khả năng thực thi trên thực tế các quyền của cổ đông. Nhà đầu tư không chỉ tìm kiếm start-up chất lượng mà còn phải đảm bảo lộ trình thoái vốn khả thi.

Theo ông Ngữ, có hai cách thoái vốn phổ biến là phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hoặc bán lại cho nhà đầu tư khác (M&A). Nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam chưa có sàn chuyên biệt cho start-up công nghệ và điều kiện được niêm yết cao, phải có lãi trong hai năm liên tục liền kề trước năm đăng ký chào bán và không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.

Nếu chọn M&A, nhà đầu tư sẽ vướng thủ tục hành chính phức tạp, có thể mất nhiều tháng để hoàn tất, mất cơ hội thị trường. Nguy cơ biến động tỉ giá và rủi ro ngoại hối cũng khiến nhà đầu tư e ngại, trong khi Singapore cho phép giao dịch bằng USD hoặc SGD, không chịu sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.

“Cơ hội đưa start-up lên sàn trong nước để thoái vốn là rất thấp”, ông Ngữ đánh giá và cho rằng càng ít thương vụ thoái vốn được thực hiện phản ánh mức độ trưởng thành còn hạn chế của hệ sinh thái.

Muốn thu hút vốn, Việt Nam cần có một thị trường IPO sôi động

Ông Eddy cho rằng để thu hút thêm vốn vào Việt Nam, phải xây dựng lộ trình thoái vốn rõ ràng, bao gồm thị trường IPO sôi động, các thương vụ M&A và giao dịch thứ cấp, đồng thời đơn giản hóa quy trình thoái vốn để tăng tính thanh khoản.

Theo ông Putra Muskita, để khuyến khích nhà sáng lập xây dựng doanh nghiệp ngay tại quê nhà, giải quyết bài toán địa phương, tạo việc làm cho nền kinh tế, rất cần một lộ trình rõ ràng cho các nhà đầu tư có thể thoái vốn. Indonesia có nhiều công ty công nghệ niêm yết trên sàn chứng khoán trong nước.

“Nếu Việt Nam có thể tạo ra một kênh tương tự, điều đó sẽ củng cố niềm tin của các nhà đầu tư”, ông Putra Muskita nói.

– Ông PHẠM QUANG CƯỜNG (đồng sáng lập kiêm CEO Eureka Robotics, Singapore):

Có nguy cơ “mất cả chì lẫn chài”

Không phải cứ có trụ sở tại Singapore là đương nhiên nhận được ưu đãi từ Chính phủ Singapore. Điều này còn phụ thuộc vào yếu tố sở hữu bản địa.

Vì vậy, một start-up Việt Nam đặt trụ sở chính tại Singapore có thể “mất cả chì lẫn chài”: không được ưu đãi từ Việt Nam vì không có trụ sở chính mà cũng không được ưu đãi từ Singapore vì không có sở hữu bản địa.

Việc Eureka có cân nhắc chuyển trụ sở chính về Việt Nam hay không sẽ phụ thuộc vào sự ổn định của khung pháp lý, tài chính và các chính sách, ưu đãi tốt từ Chính phủ.



Đọc tiếp



Về trang Chủ đề

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *