Tại buổi làm việc với Đại học Quốc gia TP.HCM hôm 5-8, ông Lê Huy Nam – vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương – cho biết: “Vừa rồi Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức tọa đàm về vấn đề xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS). Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương nhận thấy rằng đây là đề xuất quan trọng, mang tính đột phá nhằm thúc đẩy thực hiện hai nghị quyết 24 và 45”.
Thí điểm để thu hút nhân tài
Tại buổi làm việc trên, đại diện Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng nghị quyết 45-NQ/TƯ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học trong việc bổ nhiệm các chức danh khoa học… Đại học Quốc gia TP.HCM cần quyền chủ động hơn trong việc công nhận và bổ nhiệm GS, PGS trong nội bộ, từ đó thu hút đội ngũ trí thức, đặc biệt người trẻ từ nước ngoài về làm việc.
Hơn nữa, Đại học Quốc gia TP.HCM có đặc thù là tổ hợp các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tổ chức theo hai cấp, có người đứng đầu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm. Đồng thời, Đại học Quốc gia TP.HCM có hệ thống các đơn vị chuyên môn hỗ trợ liên kết chặt chẽ với nhau nên đủ năng lực triển khai thực hiện.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân – giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, vừa qua đại học này đã trình Thủ tướng chương trình thực hiện nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Đại học Quốc gia TP.HCM kiến nghị Thủ tướng một số chính sách vượt trội để đạt được mục tiêu trở thành đại học trong nhóm hàng đầu châu Á, trong đó có đề xuất cho phép Đại học Quốc gia TP.HCM thí điểm xét công nhận, bổ nhiệm các chức danh GS, PGS và trợ lý GS.
“Việc thí điểm này gắn liền với các chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển nhân tài, tức các nhà khoa học trẻ và nhà khoa học đầu ngành để phát triển các chương trình đào tạo và nghiên cứu mới, phục vụ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Nếu không có cơ chế đột phá này chúng ta rất khó tuyển dụng được các nhà khoa học trẻ, nhà khoa học đầu ngành về công tác tại Đại học Quốc gia TP.HCM”, ông Quân nhấn mạnh.
Chức danh giáo sư, phó giáo sư gắn với trường đại học
Theo PGS.TS Phan Thanh Bình – nguyên thành viên hội đồng GS liên ngành hóa học – công nghệ thực phẩm, quy trình tuyển chọn, công nhận, bổ nhiệm GS, PGS rất khác nhau giữa các nước.
Hiện nay trên thế giới, cơ bản có hai phương thức để tuyển chọn, bổ nhiệm GS, PGS: 1. Trường đại học tự quyết định việc tuyển chọn bổ nhiệm GS, PGS theo yêu cầu cụ thể của đơn vị. 2. Trường triển khai quy trình tuyển chọn GS, PGS theo chỉ tiêu phân bổ, vị trí yêu cầu, tiêu chuẩn quốc gia, đề xuất Chính phủ bổ nhiệm. Đa số các trường đại học trên thế giới theo phương thức 1 và có sự giám sát của hệ thống quản lý nhà nước.
Ông Bình phân tích Luật Giáo dục đại học hiện hành quy định công tác tổ chức nhân sự, đội ngũ của cơ sở giáo dục đào tạo do nhà trường tự chủ. Khi tự xét, bổ nhiệm GS, PGS, các trường sẽ bám sát chiến lược phát triển khoa học… Việc này sẽ khắc phục tình trạng những chuyên ngành có nhiều GS, PGS và ngược lại.
Chức danh GS, PGS là theo nhà trường cụ thể, khi một giảng viên chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác sẽ được xem xét bổ nhiệm lại theo đơn vị mới. Điều này giúp GS, PGS gắn bó với đơn vị hơn, đồng thời yêu cầu giảng viên quan tâm tích lũy những thành tích khoa học cá nhân thực sự để có thể được công nhận, góp phần tạo uy tín khoa học cho đơn vị.
“GS, PGS là chức danh của cơ sở giáo dục đại học nên cần chuyển giao việc xét, công nhận về cho cơ sở thực hiện theo quy chuẩn chung. Hội đồng GS nhà nước – Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy chuẩn, quy định, quy trình; giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm, khiếu kiện trong quá trình xét, công nhận GS, PGS của các cơ sở. Tiêu chuẩn GS, PGS của cơ sở đào tạo không thấp hơn tiêu chuẩn của hội đồng GS nhà nước”, ông Bình kiến nghị.
Cần nghiên cứu giao nhiệm vụ xét, bổ nhiệm GS, PGS về các cơ sở đào tạo. Trong giai đoạn đầu, có thể giao thí điểm với một số đơn vị đào tạo mạnh, uy tín, có đội ngũ GS, PGS nhiều như hai Đại học quốc gia và các đại học.
PGS.TS Phan Thanh Bình
Đảm bảo công minh thì nên làm
GS.TS Đặng Lương Mô, GS danh dự Đại học Hosel (Tokyo, Nhật Bản), cho biết hiện nay việc hội đồng của nhà nước phong PGS, GS chỉ còn ở một số nước. Ở rất nhiều nước, nhà nước đã ủy nhiệm việc này cho các trường đại học với các tiêu chí rõ ràng.
Danh xưng GS khi ra khỏi đại học (hoặc về hưu, hoặc chuyển công tác) thì không còn nữa; trường hợp này nếu có xưng thì chỉ là nguyên GS hoặc cựu GS. Chỉ khi nào đại học phong cho danh hiệu GS danh dự thì danh hiệu này mới là danh hiệu suốt đời.
“Ở các nước tiên tiến, GS các trường đại học công hay trường đại học tư đều có giải thưởng lớn, kể cả giải Nobel, điều đó chứng tỏ GS của họ rất xứng đáng.
Ở nhiều đại học, số đông là ở Mỹ, để đảm bảo “quyền uy” của chức danh GS và tính minh bạch, người ta còn tham chiếu kết quả nhận xét về ứng viên GS, PGS bởi những GS nước khác có tên tuổi về chuyên ngành chung với ứng viên. Nghĩa là người ta đòi hỏi ứng viên phải có thêm “thư tiến cử” (reference letter) của những GS có tiếng tăm đó.
Tôi nghĩ hiện nay Việt Nam đã hội nhập quốc tế, việc gì quốc tế làm được thì ta cũng có thể làm được, nhưng đây là vấn đề khá tế nhị. Khi nào mình thấy đảm bảo được sự công minh, chính xác trong đánh giá năng lực giảng viên để phong danh hiệu xứng đáng thì nên làm”, GS Mô nói.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhận định ở nước ta xét công nhận GS, PGS theo hai cấp: cấp cơ sở và cấp nhà nước, còn việc bổ nhiệm đã giao cho các trường.
Hệ thống xét như vậy thiết lập những tiêu chuẩn chung và quy định về chất lượng cho tất cả ứng viên trong cả nước thông qua hội đồng ngành bao gồm các nhà khoa học uy tín nhất được giới thiệu từ các trường đại học.
“Nếu xét riêng thì Đại học Quốc gia TP.HCM có thể điều chỉnh tiêu chí dựa trên nhu cầu và mục tiêu đặc thù của họ, cho phép tự chủ hơn trong việc quyết định ai là GS, PGS giúp các trường phát triển theo định hướng chuyên môn và nghiên cứu riêng.
Đại học Quốc gia TP.HCM có thể thí điểm các tiêu chí xét duyệt khác nhau để thúc đẩy sự đổi mới trong giảng dạy và nghiên cứu mà không bị ràng buộc bởi các quy định cứng nhắc của cấp nhà nước”, ông Dũng nhận định.
Theo thông lệ quốc tế
Theo đề xuất của Đại học Quốc gia TP.HCM, cơ chế này sẽ thí điểm trong 5 năm và áp dụng trong phạm vi nội bộ đại học này. Khi rời Đại học Quốc gia TP.HCM, các nhà khoa học sẽ không còn chức danh GS, PGS.
Về tiêu chuẩn GS, PGS thì bám theo quyết định 37 nhưng linh động hơn và bổ sung một số yêu cầu theo thông lệ quốc tế như: đóng góp về tài chính cho đơn vị, về chính sách cho cộng đồng; tham gia các mạng lưới khoa học trong nước và quốc tế.
* GS.TSKH Bùi Văn Ga (chủ tịch hội đồng GS liên ngành cơ khí – động lực):
Xét tiêu chuẩn cao hơn thì rất hoan nghênh
Nếu Đại học Quốc gia TP.HCM hay đơn vị nào đó muốn xét tiêu chuẩn cao hơn thì rất hoan nghênh. Nhưng trước hết phải đảm bảo các tiêu chuẩn tối thiểu mà Hội đồng GS nhà nước hiện đang áp dụng. Vì trên thực tế hiện nay rất khó giải thích với xã hội GS, PGS chỉ có giá trị ở một trường xác định.
Như vậy, trong đề xuất cơ chế đặc thù cho Đại học Quốc gia TP.HCM xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS, thì trước hết phải quy định các ứng viên đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn hiện hành của Hội đồng GS nhà nước và bổ sung các tiêu chuẩn khác theo đặc thù riêng của đơn vị. Nếu đạt được tiêu chuẩn công khai, minh bạch thì xét ở đâu cũng sẽ có kết quả như nhau.