Đầu tháng 8-2024, đi dọc quốc lộ 26 từ TP Buôn Ma Thuột về “thủ phủ sầu riêng” Krông Pắk không khó để bắt gặp nhiều kho bãi rộng hàng ngàn mét vuông vốn nhộn nhịp cuối năm ngoái, giờ vắng tanh, cửa khóa im ỉm.
Kinh doanh ảm đạm
Nguyên nhân các kho sầu riêng vẳng vẻ, ảm đạm, theo anh Nghĩa, một người làm nghề buôn sầu riêng, hiện giá sầu riêng đã giảm đáng kể nhưng các thương lái không muốn cắt dù nhà vườn “nóng ruột”.
Gần 1 tháng trở lại đây ở Tây Nguyên mưa quá nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng sầu riêng.
“Sầu riêng bị bọng nước, lên màu vàng giả nên khi cắt xong sẽ hụt ký, cơm trở lại trắng bệch không thể xuất khẩu. Hơn nữa, hiện nay nhiều địa phương ở Trung Quốc cũng đang gặp thiên tai nên việc xuất khẩu sẽ phải chậm lại”, anh Nghĩa nói.
Mùa sầu riêng năm nay không sôi động, tranh mua tránh bán, bẻ cọc như năm 2023. Một người chuyên mua sầu riêng đi xuất khẩu cho biết năm ngoái giới đầu tư bất động sản thấy sầu riêng giá cao nên nhảy vào. Họ tranh nhau làm kho chứa, vào vườn đẩy giá, chốt cọc làm loạn thị trường.
Hàng loạt kho sầu riêng tại Đắk Lắk đóng cửa, treo bảng cho thuê không ai hỏi – Ảnh: TRUNG TÂN
“Nhưng do không có kinh nghiệm, sầu riêng đưa sang cửa khẩu bị trả lại. Chính vì vậy rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp bể nợ chỉ trong một vụ mùa sầu riêng nên năm nay thị trường đã ổn định hơn. Hơn nữa hiện nhà nước siết quy định, các kho sai phép không đủ điều kiện thủ tục sẽ không đưa hàng đi xuất khẩu được, nên thương lái sẽ không thuê”, người này phân tích.
Không đấu điện cho kho sầu riêng trái phép
Nói về hàng loạt kho sầu riêng khóa cửa im ỉm, bà Ngô Thị Minh Trinh – phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk- cho biết lượng sầu riêng vừa để sơ chế vừa để đi xuất khẩu theo đơn hàng, chưa cần quá nhiều kho chứa như vậy.
Việc ngăn chặn xây dựng kho sầu riêng trái phép, bà Trinh cho biết huyện đã xử lý quyết liệt.
Ngay cả kho sầu riêng của gia đình ông Trần Đức Lanh – cựu phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, ở trên đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột, bà Trinh nói vẫn là kho chưa đúng quy định vì chưa thực hiện được thủ tục đấu nối ra quốc lộ.
Để ngăn chặn tình trạng xây kho sầu riêng, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các địa phương phổ biến, tuyên truyền, kiểm tra, rà soát, báo cáo tình hình cung cấp điện của các kho, xưởng chế biến vi phạm quy định về quản lý đất đai, trật tự xây dựng.
Bà Trinh cũng cho biết triển khai chỉ đạo của tỉnh, huyện yêu cầu các đơn vị không ký xác nhận đối với các nhà kho, xưởng chế biến xây dựng trên đất nông nghiệp, chưa được cấp giấy phép xây dựng.
Công ty điện lực không cấp điện cho các kho, xưởng xây trên đất nông nghiệp, có diện tích xây dựng lớn hơn diện tích giấy phép, vi phạm hành lang an toàn giao thông, an toàn về PCCC, môi trường…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết hiện nay tổng diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk là 32.785ha với 251 cơ sở thu mua.
Trong đó, tập trung tại một số huyện như: Krông Pắk 101 cơ sở, huyện Cư M’gar 64 cơ sở, huyện Krông Búk 11 cơ sở, thị xã Buôn Hồ 10 cơ sở….
Toàn tỉnh có 37 cơ sở cấp đông sầu riêng, tập trung tại một số huyện như: Krông Pắk 15 cơ sở, thị xã Buôn Hồ 8 cơ sở, huyện Cư M’gar 5 cơ sở, Tp.Buôn Ma Thuột 3 cơ sở… với tổng công suất 3.170 tấn.