Không chỉ “xanh” hơn trong quá trình vận hành, xe điện còn giảm đáng kể khí thải và rác thải nhờ khả năng tái chế pin, trở thành lựa chọn bền vững, bảo vệ môi trường hiệu quả hơn hẳn.
Thách thức ô nhiễm giao thông tại đô thị lớn
Hà Nội và TP.HCM hiện đối mặt với vấn nạn ô nhiễm giao thông nghiêm trọng khi hơn 8 triệu xe máy và 1 triệu ô tô hoạt động liên tục mỗi ngày. Khí thải này không chỉ tàn phá môi trường mà còn dẫn đến hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Theo TS Hoàng Dương Tùng – chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam và nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, ô tô và xe máy cá nhân là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất tại các thành phố lớn.
Đáng lo ngại hơn, số lượng xe dùng động cơ đốt trong không ngừng gia tăng và “già cỗi,” làm tăng thêm khó khăn cho mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết. Việc chuyển đổi sang phương tiện xanh như xe điện hoặc xe chạy nhiên liệu hydro không chỉ là một lựa chọn, mà là điều tất yếu cho tương lai bền vững.
“Nếu không nhanh chóng chuyển sang giao thông xanh, ô nhiễm môi trường sẽ tiếp tục đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, gây thiệt hại lớn về cả kinh tế và an sinh xã hội” – ông Tùng cảnh báo.
TS Nguyễn Đình Thạo – Trường đại học Giao thông vận tải, thông tin theo nghiên cứu, trung bình một ô tô thải ra khoảng 250g CO₂ cho mỗi km di chuyển. Mỗi năm lượng khí thải của một chiếc ô tô có thể lên tới 3 tấn CO₂.
Trước thực trạng này, xe điện không chỉ xuất hiện như một giải pháp tiềm năng mà còn là lối thoát duy nhất, nhận được sự khuyến khích mạnh mẽ trên toàn cầu.
Nghiên cứu từ ABC News chỉ ra rằng xe điện chỉ thải ra khoảng 1/4 lượng CO₂ so với xe xăng, với một chiếc SUV chạy điện chỉ tạo ra chưa đến 11 tấn CO₂ trong suốt vòng đời của nó, so với 46 tấn của một chiếc SUV xăng.
Không chỉ giảm lượng khí thải trong quá trình vận hành, các bộ phận của xe điện, đặc biệt là pin, có khả năng tái chế, giảm đáng kể tác động tới môi trường.
Các pin cũ có thể tái sử dụng làm nguồn năng lượng cho gia đình hoặc các cơ sở công nghiệp, tối ưu hóa nguồn năng lượng, giảm thiểu rác thải điện tử.
Giao thông xanh không còn là xu hướng mà là tất yếu, bất cứ ai không tham gia sẽ sớm bị bỏ lại, PGS.TS Bùi Thị An, viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, nhận định.
Bà An dẫn một số nghiên cứu từ Bộ Y tế cho thấy ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính gây ung thư phổi, căn bệnh tử vong cao thứ hai tại Việt Nam. Việc chuyển đổi xanh không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe mà còn là nền tảng cho một tương lai phát triển bền vững, lợi ích lớn cho cộng đồng.
Người Việt bắt đầu “ghiền” xe điện
Hiểu về lợi ích của xe điện, kèm theo sự phát triển mạnh mẽ của các trạm sạc trên toàn quốc, anh Phước Thu (nhân viên văn phòng, TP.HCM) quyết định chuyển từ xe xăng sang chiếc xe điện VF7 Plus, bản mua pin.
“Tôi đã dùng xe điện hơn 1 tháng nay, công nghệ ngập tràn. Một tuần tôi sạc pin một lần với thời gian chờ 45 phút là đi gần 400km, với nhu cầu đi lại trong phố với tôi là dư sức. Cứ tính một lần sạc pin chỉ tốn 300.000 đồng, nhìn lại xe xăng tôi dùng trước đây chi phí lên đến hơn 1 triệu đồng. Rõ ràng, ai dùng xe điện cũng thấy được sự chênh lệch chi phí sử dụng so với xe xăng”, anh Phước Thu nói.
Cùng với sự ủng hộ của người tiêu dùng, các hãng xe lớn như VinFast không ngừng đầu tư mạnh mẽ vào các dòng xe điện chất lượng, mở rộng mạng lưới trạm sạc, mang đến trải nghiệm dễ dàng và thuận tiện hơn.
Thậm chí, các công ty taxi đã bắt đầu chuyển đổi sang xe điện. Chị Thùy Tiên chia sẻ: “Ngồi trên xe điện thoáng mát, không có tiếng động cơ và không mùi xăng. Đây là trải nghiệm mà trước đây tôi chưa từng nghĩ đến”.
Chính sách xanh hóa giao thông, cần thiết cho tương lai
Nhận thấy tầm quan trọng của giao thông xanh, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Theo quyết định 876 của Thủ tướng, Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và thiết lập các vùng phát thải thấp, chỉ cho phép xe đạt chuẩn Euro 5 hoặc xe điện hoạt động.
Các chuyên gia cho rằng bên cạnh việc hỗ trợ về thuế và giá, Nhà nước cần thúc đẩy các nghiên cứu phát triển loại pin thân thiện với môi trường như pin LFP, đồng thời tối ưu hóa quá trình tái chế pin. Những tiến bộ trong công nghệ pin sẽ giúp xe điện càng trở nên “xanh” hơn nữa và giảm thiểu tác động lên môi trường.