Cũng với tâm tư này, một thí sinh nói tự dưng muốn trượt ba nguyện vọng đầu để có thể học ngành ở nguyện vọng 4.
Thích ngành này, cha mẹ chọn ngành khác
Những câu hỏi trên thu hút nhiều lượt tương tác của các thí sinh xét tuyển đại học năm nay. Nhiều thí sinh khác cũng mong rớt nguyện vọng 1, thậm chí các nguyện vọng 2, 3, 4 để có thể được xét tuyển vào các nguyện vọng sau.
Một thí sinh bày tỏ mong điểm chuẩn nguyện vọng 1 thật cao để mình không trúng tuyển. Khi đó sẽ được xét tuyển ngành nguyện vọng 2 mà bản thân lựa chọn theo sở thích.
“Mình và gia đình có trao đổi về chọn ngành trước khi đăng ký. Gia đình muốn mình theo ngành thực phẩm vì có người quen có thể giới thiệu việc làm. Tuy nhiên mình muốn học về marketing.
Ba mẹ không đồng ý và yêu cầu đặt hai nguyện vọng đầu ngành thực phẩm, các nguyện vọng còn lại do mình chọn. Giờ mình mong rớt hai nguyện vọng đầu, hy vọng trúng tuyển các nguyện vọng sau. Khi đó ba mẹ cũng không buồn lòng mà mình cũng được học ngành mình thích” – một thí sinh bày tỏ.
Cô M. – một giáo viên mầm non tại TP.HCM – cho biết con mình trúng tuyển sớm ngành quản trị kinh doanh, logistics và quản lý chuỗi cung ứng hai trường đại học tại TP.HCM. Khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống, cô M. đề nghị con đặt hai nguyện vọng đầu vào ngành giáo dục tiểu học dù con cô không thích và không muốn học.
“Tôi biết con không thích ngành này nhưng tôi trao đổi kỹ và cháu đồng ý. Tôi mấy chục năm làm giáo viên mầm non, công việc rất cực nên yêu cầu con đăng ký giáo dục tiểu học. Dù biết con không thích nhưng tôi vẫn kỳ vọng con có thể đậu sư phạm. Lý do chính là kinh tế.
Học sư phạm con không phải đóng học phí, còn được cấp sinh hoạt phí. Phía sau còn hai em đang đi học nữa trong khi tôi là lao động chính của gia đình. Nếu cháu học ngành khác thực sự sẽ rất khó khăn” – cô M. chia sẻ.
Không ít bạn sắp xếp nguyện vọng theo định hướng của ba mẹ. Và cũng có thí sinh khi đăng ký thích ngành nguyện vọng 1 nhưng vài ngày sau lại chán, thích ngành nguyện vọng 2 hơn.
Có thí sinh không tìm hiểu học phí các trường khi đăng ký, đặt ngành nguyện vọng 1 ở trường có học phí cao, sau đó lo ngại gia đình không kham nổi. Nhiều “cao kiến” được đưa ra như không đóng phí xét tuyển các ngành mình không thích, không xác nhận nhập học nếu trúng tuyển các ngành không thích chờ xét tuyển bổ sung.
Làm sao để có tiếng nói chung?
Tiến sĩ Đỗ Tất Thiên – phó trưởng khoa tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – cho rằng việc chọn nghề phải xuất phát từ sự trao đổi, thống nhất giữa cha mẹ và con cái dựa trên cơ sở chọn ngành phù hợp với năng lực, với đam mê của thí sinh và nhu cầu xã hội.
Nếu cha mẹ và con cái chưa thể tìm được tiếng nói chung, có thể nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp.
“Nếu thí sinh đăng ký chọn ngành học mà mình không thích sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đi kèm như các em chán nản, học để đối phó, kết quả là không đáp ứng được năng lực nghề nghiệp cần thiết.
Đáng báo động là nhiều sinh viên bỏ học giữa chừng, tìm kiếm các đam mê khác gây lãng phí về kinh tế, thời gian. Nhiều em cả cuộc đời luôn mang theo mình một sự tiếc nuối với ngành nghề mà mình không được chọn, chưa kể đến những mâu thuẫn âm ỉ hay bùng phát giữa cha mẹ và con cái…” – TS Đỗ Tất Thiên nhận định.
Tương tự, TS tâm lý học Tô Nhi A – giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM – cho rằng khi con cái chọn ngành không như cha mẹ mong muốn, thậm chí có những hành động khước từ nhập học, cha mẹ cần bình tĩnh nhận ra sự “quyết liệt chống đối” ấy đến từ nguyên nhân nào. Nên đối thoại cởi mở, xây dựng để hiểu rõ nguyện vọng và lý do của con.
Thay vì trách móc hoặc ép buộc, cha mẹ nên hỏi con lý do không muốn theo ngành và mong muốn thực sự của con là gì. Sự thảo luận có thể tìm được ngành học liên quan sở thích của con và chọn một nghề nghiệp đáp ứng một số kỳ vọng của cha mẹ.
Khi các phương án đối thoại không đem lại tiếng nói chung, TS Tô Nhi A khuyến nghị tôn trọng quyết định của con là cần thiết. Điều này thể hiện sự tôn trọng đối với quyền tự chủ và đam mê của con cái.
“Cha mẹ cần nhận thức rằng đây là cuộc đời của con, không phải của mình. Con cái cần có cơ hội tự quyết định và theo đuổi ước mơ của bản thân. Việc học chỉ có ý nghĩa và hiệu quả khi người học có sự mong muốn theo đuổi và đam mê thực sự với lĩnh vực mình chọn.
Nếu không, tình trạng bỏ học giữa chừng rất dễ xảy ra, gây lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức của cả gia đình” – TS Tô Nhi A nói thêm.
Nên trao đổi với cha mẹ
TS Nguyễn Đức Nghĩa – nguyên phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, chuyên gia tư vấn tuyển sinh – cho rằng hệ thống sẽ không phân biệt được nguyện vọng nào của thí sinh, nguyện vọng nào người khác chọn thay.
Trong trường hợp trúng tuyển nguyện vọng không phải do mình chọn, thí sinh vẫn có thể từ chối khi không xác nhận nhập học. Khi đó, cha mẹ và thí sinh sẽ xung đột. Trong trường hợp này thí sinh nên trao đổi với phụ huynh về nguyện vọng của bản thân, không nên tự ý không xác nhận nhập học.
“Mình đã chọn ngành và trúng tuyển theo nguyện vọng của ba mẹ nghĩa là bản thân có năng lực. Giờ là lúc để cho mình được chọn ngành học theo sở thích bản thân và giải thích với ba mẹ vì sao chọn ngành đó. Khi ba mẹ đã hiểu, xung đột hai bên sẽ ở mức thấp nhất có thể” – TS Nguyễn Đức Nghĩa tư vấn.
TS Nguyễn Đức Nghĩa cũng khuyến cáo thí sinh cân nhắc thật kỹ khi không xác nhận nhập học bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thí sinh từ chối nhập học có thể xét tuyển bổ sung vào trường khác, ngành khác.
Tuy nhiên liệu khi đó ngành mình mong muốn học có còn xét tuyển bổ sung không hay hết cơ hội? Lúc đó xung đột cha mẹ và thí sinh sẽ còn nghiêm trọng hơn.