Cá heo dùng tiếng kêu để giao tiếp với đồng loại – Ảnh: AFP
Theo trang IFLScience ngày 15-4, Google đã hợp tác với các nhà nghiên cứu của Dự án Cá heo hoang dã và Công nghệ Georgia (WDP) để phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) mới gọi là DolphinGemma. Đây là mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) thân thiện với cá heo.
Cá heo là loài động vật rất thông minh và hay nói. Chúng sử dụng nhiều âm thanh tần số cao để tán tỉnh bạn tình, tìm kiếm bạn bè, phối hợp hành vi và duy trì sự hòa hợp trong nhóm. Nhiều năm qua, WDP đã thu thập một lượng lớn dữ liệu về tiếng kêu của cá heo và bắt đầu xác định các quy luật trong tiếng kêu của chúng.
Với sự trợ giúp của DolphinGemma, họ muốn đào sâu vào dữ liệu này để khám phá các mẫu và quy luật có thể giúp tiết lộ những gì cá heo thực sự đang nói.
Ban đầu mô hình AI được đào tạo bằng dữ liệu của cá heo đốm Đại Tây Dương, song nhóm nghiên cứu hy vọng có thể áp dụng những phát hiện này cho các loài khác như cá heo spinner.
Nhờ công nghệ tiên tiến, DolphinGemma có thể biến các âm thanh phát ra từ cá heo thành định dạng mà AI có thể phân tích, giúp dễ dàng phát hiện các quy luật và ý nghĩa của chúng.
Điểm đáng lưu ý là dù là mô hình mạnh nhưng DolphinGemma vẫn có thể chạy trên điện thoại thông minh, mang lại sự linh hoạt cho các nhà nghiên cứu trong môi trường hoang dã tự nhiên.
DolphinGemma sẽ xử lý dữ liệu bằng LLM, một kiểu mô hình học máy đặc biệt phù hợp với kiểu công việc này do chúng được thiết kế để tìm các mẫu trong chuỗi phức tạp, dù đó là văn bản của con người hay tiếng kêu của cá heo.
Mô hình AI này được đào tạo để nhận dạng các mẫu lặp lại, sự kết hợp âm thanh và tín hiệu ngữ cảnh trong tiếng kêu của cá heo. Điều này giúp các nhà nghiên cứu hướng đến việc hiểu cách những âm thanh đó có thể hoạt động theo cấu trúc có nghĩa, giống như một ngôn ngữ.
Một trong những mục đích chính trong nghiên cứu của WDP là để hiểu cách cá heo giao tiếp và tương tác với nhau trong môi trường hoang dã. Theo đó, nhóm nghiên cứu có thể kết nối những âm thanh cụ thể với hành vi theo thời gian thực – một điều không thể thực hiện khi tách khỏi môi trường sống tự nhiên của chúng.
Cuối cùng, dự án hy vọng sẽ khám phá tiềm năng tương tác hai chiều giữa con người và cá heo bằng công nghệ này. Nói cách khác, họ muốn hướng đến việc nói tiếng cá heo.
Tuy nhiên, sẽ có nhiều rào cản phải vượt qua để đạt được mục tiêu này. Một trong số đó là việc cá heo ở các vùng khác nhau có tiếng kêu khác nhau, cho thấy chúng có thể giao tiếp bằng “tiếng vùng miền” hoặc ngôn ngữ khác nhau.
Các nhà khoa học hy vọng các công cụ như DolphinGemma có thể giúp họ khám phá những bí ẩn trong giao tiếp của cá heo và đặt nền tảng cho những gì có thể trở thành một cuộc trò chuyện thực sự giữa các loài.
Đọc tiếp
Về trang Chủ đề