Hôm 10-8, Hội đồng Cảnh sát trưởng quốc gia (NPCC) cho biết đã có 779 người đã bị bắt vì bạo loạn ở Anh, trong đó có 349 người bị truy tố. NPCC là cơ quan điều phối quốc gia về thực thi pháp luật và là cơ quan đại diện cho các sĩ quan cảnh sát cấp cao ở Vương quốc Anh.
Theo Tân Hoa xã, kể từ vụ tấn công bằng dao vào cuối tháng 7 tại thị trấn Southport ở tây bắc nước Anh khiến 3 trẻ em thiệt mạng, các cuộc biểu tình đã nổ ra tại nhiều thành phố của Anh khiến cảnh sát bị thương, cửa hàng bị cướp phá và các khách sạn chứa người xin tị nạn bị tấn công.
Hôm 29-7, Axel Rudakubana (17 tuổi) – sinh ra tại Anh, có cha mẹ là người Rwanda – đến một lớp dạy khiêu vũ ở thị trấn Southport và dùng dao tấn công khiến 3 bé gái thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Sau đó trên mạng xã hội đã lan truyền thông tin sai lệch cho rằng nghi phạm trong vụ tấn công bằng dao là “người nhập cư Hồi giáo cực đoan”. Kể từ đó, các cuộc bạo loạn có sự tham gia của nhiều người biểu tình phản đối nhập cư đã nổ ra ở nhiều thị trấn và thành phố.
Chính quyền nước này tin rằng bước ngoặt đã xuất hiện kể từ hôm thứ tư (7-8), nhờ sự hiện diện đông đảo của cảnh sát tại các thành phố và thị trấn trên khắp nước Anh, cũng như việc tòa án nhanh chóng có hành động với những kẻ bạo loạn.
Do mùa bóng đá mới bắt đầu và nhiệt độ tăng cao, cảnh sát Anh đã chuẩn bị cho khả năng bạo loạn có thể lại xảy ra vào cuối tuần này. Tuy nhiên hôm thứ bảy (10-8) nhìn chung là một ngày yên bình, ngoại trừ một số cuộc biểu tình nhỏ lẻ.
Trong ngày, có hàng ngàn người đã tụ tập tại các cuộc tuần hành chống phân biệt chủng tộc ở nhiều thành phố. Tại London, hàng trăm nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc đã tụ tập bên ngoài văn phòng của Đảng Cải cách Vương quốc Anh (Reform UK) để phản đối lãnh đạo đảng này là ông Nigel Farage – người bị cáo buộc kích động việc chống nhập cư.
Thủ tướng Anh Keir Starmer đã hủy kế hoạch nghỉ mát cùng gia đình ở châu Âu và quyết định ở lại Anh, để tập trung vào việc phối hợp các nỗ lực nhằm xử lý các cuộc bạo loạn.
Nhà lãnh đạo Anh đã chủ trì 3 cuộc họp khẩn cấp về tình hình bạo loạn trong tuần qua và đã yêu cầu cảnh sát Anh duy trì cảnh giác cao độ vào cuối tuần này, để đề phòng các cuộc bạo loạn có thể xảy ra.
Khoảng 30 người đã bị bỏ tù vì liên quan đến bạo loạn hoặc kích động thù hận chủng tộc trên mạng cho đến nay, với mức án cao nhất là ba năm. Con số này dự kiến tăng lên khi Chính phủ Anh tuyên bố sẽ khiến những người vi phạm pháp luật cảm thấy “quyền lực thực sự của luật pháp”.