Tin tức sáng 12-8: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 10 dự luật

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV – Ảnh: quochoi.vn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 10 dự luật

Sáng nay 12-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2024. Phiên họp kéo dài đến hết ngày 14-8.

Theo chương trình phiên họp, sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 10 dự án luật.

Đây đều là các dự luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 vừa qua.

Cụ thể là các dự Luật Địa chất và khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Thủ tướng yêu cầu tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất

Hiện trường nơi xảy ra vụ sạt lở đất ở Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La sáng 10-8 - Ảnh: BẮC YÊN

Hiện trường nơi xảy ra vụ sạt lở đất ở Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La sáng 10-8 – Ảnh: BẮC YÊN

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành công điện số 78/CĐ-TTg ngày 11-8-2024 về việc tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét tại khu vực Bắc Bộ.

Theo đó yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục chỉ đạo rà soát kỹ các khu dân cư, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ mất an toàn, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, kiên quyết di dời dân ra khỏi nơi nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Các địa phương chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, lương thực, nhu yếu phẩm tại các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra chia cắt khi mưa lũ lớn, sạt lở đất, ngập lụt để kịp thời thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân khi có tình huống.

Thủ tướng cũng yêu cầu bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó theo quy định.

Bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ động chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét theo quy định, bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất, bảo đảm an toàn giao thông và kịp thời khắc phục nhanh sự cố trên các trục giao thông chính.

Bộ trưởng các bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo công an các địa phương, các quân khu, các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động phối hợp với các địa phương triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ, chủ động sơ tán sớm, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu của địa phương.

Thủ tướng giao Phó thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Voi ở Thảo cầm viên Sài Gòn ‘mừng thọ’ 65 tuổi

Tin tức sáng 12-8: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 10 dự luật- Ảnh 3.

Voi Chuông có tên khai sinh là Trichkhom, có nguồn gốc từ Campuchia và về Thảo cầm viên Sài Gòn lúc 15 tuổi – Ảnh: LÊ PHAN

Thảo cầm viên Sài Gòn vừa tổ chức “mừng thọ” cho voi Chuông, năm nay hơn 65 tuổi, là “bà voi” lớn tuổi nhất ở đây. Qua hoạt động này, Thảo cầm viên Sài Gòn mong muốn nâng cao ý thức bảo vệ voi nhân Ngày Quốc tế voi 12-8.

Ngày Quốc tế voi được ấn định vào 12-8-2012. Đây là một sự kiện toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề nghiêm trọng mà loài voi phải đối mặt và kêu gọi mọi người trên thế giới bảo vệ, bảo tồn chúng.

Loài voi hiện đối mặt nhiều thách thức, gồm mất môi trường sống, bị săn trộm để lấy ngà, xung đột với con người…

Dệt may phục hồi, xuất khẩu tháng 7 tăng 12%

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã đạt 4,29 tỉ USD trong tháng 7, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt gần 24 tỉ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy vậy theo các chuyên gia, tình hình kinh tế thế giới hiện có nhiều biến động, sẽ tác động đến các ngành hàng xuất khẩu, trong đó có dệt may. Do đó các doanh nghiệp trong nước cần sự hỗ trợ kịp thời về thông tin của thương vụ Việt Nam ở thị trường nước ngoài.

Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang 113 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu…

Tin tức sáng 12-8: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 10 dự luật- Ảnh 5.

Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 12-8. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Tin tức sáng 12-8: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 10 dự luật- Ảnh 6.

Dự báo thời tiết các vùng miền ngày 12-8.

Tin tức sáng 12-8: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 10 dự luật- Ảnh 7.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *