Ngày 12-8, PGS.TS.BS Đỗ Phước Hùng – phó khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết khoa vừa điều trị thành công cho một bệnh nhân bị mất đoạn lớn xương chày do gãy hở nhiễm trùng, bằng kỹ thuật ghép mảnh in 3D hợp kim titanium dạng lưới.
Bằng mảnh ghép in 3D dạng lưới kết hợp với trình độ chuyên môn sâu, đội ngũ điều trị sẽ tiến hành khôi phục một đoạn xương lớn đã mất, giúp bệnh nhân có thể quay về cuộc sống bình thường.
Vào ngày 17-9-2023, anh L.D.L. (sinh năm 1985, ngụ tỉnh Nghệ An) được Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận trong tình trạng chấn thương nặng do tai nạn giao thông. Lúc ấy, anh L. bị gãy hở hai xương cẳng chân phải và khuyết hổng mô mềm mức độ nặng.
Sau đó, anh L.D.L. đã phải trải qua 4 cuộc phẫu thuật cắt lọc vết thương, cố định xương gãy, đặt máy hút chân không liên tục và tái tạo mô mềm do các bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình thực hiện.
Tuy nhiên, thực tế tình trạng của anh L.D.L. cho thấy chỉ có thể giải quyết tốt về việc mất đoạn thân xương dài lớn nếu có được nguồn xương ghép tự thân dồi dào.
Theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều trường hợp tương tự anh L.D.L. đã được điều trị bằng kỹ thuật sử dụng mảnh ghép titanium dạng lưới và đã nhận lại kết quả báo cáo khả quan. Đây cũng là kỹ thuật còn mới tại Việt Nam.
Vì vậy, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với Viện nghiên cứu CSIRO (Úc) thống nhất tiến hành thiết kế và in mảnh ghép để điều trị cho anh L.D.L.
Ca phẫu thuật quan trọng diễn ra vào ngày 17-7-2024, kéo dài trong khoảng 5 tiếng, thuận lợi với kết quả như mong đợi của đội ngũ bác sĩ và gia đình bệnh nhân. Đến nay, chân phải của anh L.D.L. đã được cải thiện, anh đã có thể đi lại với hai nạng và tì chống một phần chân đau.
Hôm nay 12-8, anh L. đã được xuất viện và trở thành người thứ 2 tại Việt Nam được áp dụng kỹ thuật ghép mảnh in 3D titanium dạng lưới, để khắc phục tình trạng bị mất đoạn lớn thân xương chày do gãy hở nhiễm trùng.
Mất 6 tháng để có mảnh ghép titanium
Nói về thời gian chuẩn bị mảnh ghép trước khi tiến hành ca phẫu thuật, BS Đỗ Phước Hùng cho biết đội ngũ bệnh viện đã trải qua 6 tháng để có một mảnh ghép titanium phù hợp với những bước tiến hành thận trọng cần có, vì đây cũng là một trường hợp khó, do những nguyên nhân sau:
-
Bệnh nhân đã phải trải qua 4 lần phẫu thuật trước đó và đã mất rất nhiều mô mềm và xương.
-
Mảnh ghép titanium không những cần được thiết kế tốt về mặt hình dáng bên ngoài để mảnh ghép phục hồi được chiều dài mà còn có thể chịu được một lực tác động đủ lớn, không bị biến dạng hay gãy đổ khi bị lực tác động lớn như chẳng may va chạm hay vấp ngã do tai nạn. Đặc biệt, mảnh ghép này sẽ phải gắn bó với bệnh nhân suốt đời nên cần được thiết kế và xử lý tốt về mặt cơ sinh học.
-
Việc thiết kế phải tạo được sự hòa hợp giữa hình dáng bên ngoài, cấu trúc bên trong và tình trạng mô mềm hiện tại của chân bệnh nhân.
-
Sau khi thiết kế, in thử, mảnh ghép phải trải qua các thử nghiệm kiểm tra về cơ sinh học như lực nép ép, kéo giãn, uốn bẻ. Sau khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cần thiết về kỹ thuật, mảnh ghép hoàn thiện dùng để điều trị chính thức mới được in ra.