Theo UBND TP.HCM, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, đến nay các địa phương đã cơ bản hoàn tất công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 4 TP.HCM.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, các địa phương đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thống nhất đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn tuyến.
Một trong những cơ chế nổi bật là cho phép địa phương hỗ trợ địa phương khác thực hiện các hoạt động đầu tư công của dự án đi qua hai địa phương. Cụ thể như trường hợp cầu Thủ Biên nối giữa tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.
Về nguồn vốn, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ 50% phần vốn ngân sách thực hiện dự án cho các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Riêng tỉnh Long An cần được hỗ trợ 75%. Thêm vào đó, dự án cho phép tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia không vượt quá 70% tổng mức đầu tư.
Đối với đoạn vành đai 4 TP.HCM thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội (đoạn do UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền), Quốc hội cho phép Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư dự án. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư sẽ được thực hiện tương tự như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Trong vòng hai năm kể từ khi nghị quyết được Quốc hội thông qua, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền sẽ được phép xem xét, quyết định việc chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trình tự và thủ tục chỉ định thầu sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu…
Trên cơ sở thống nhất giữa các địa phương, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương xây dựng nghị quyết trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án đường vành đai 4 TP.HCM.
Đồng thời giao UBND TP.HCM chủ trì, phối hợp với các địa phương và đơn vị tư vấn tổng thể dự án vành đai 4 TP.HCM nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù trình cấp thẩm quyền thẩm định trong tháng 8-2024. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì phối hợp các bộ ngành liên quan thẩm định, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9-2024 để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2024.
Vành đai 4 TP.HCM dài 207km
Vành đai 4 TP.HCM là dự án có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án có tính kết nối giao thông liên vùng giải quyết lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistic.
Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 207km đi qua năm tỉnh thành, bao gồm Bà Rịa – Vũng Tàu (18,23km), Đồng Nai (45,54km), Bình Dương (47,45km), TP.HCM (17,3km) và Long An (78,3km).
Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư ước tính khoảng 128.063 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng khoảng 76.772 tỉ đồng, giải phóng mặt bằng khoảng 51.291 tỉ đồng. Dự án được thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).