Bác sĩ Phan Tấn Tài (khoa tim mạch, Bệnh viện Trưng Vương, TP.HCM) chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về tầm quan trọng của giấc ngủ với thể thao:
“Trong điều kiện bình thường, chúng ta vốn đã không nên thức khuya, không nên để giấc ngủ thường ngày bị ảnh hưởng vì bất kỳ lý do gì.
Trong trường hợp vẫn chọn theo dõi các trận đấu thể thao và thức khuya, mọi người cần phải tính toán thời gian ngủ một cách phù hợp.
Ở đây, chúng ta có quy tắc 90 phút, được xem là “chu kỳ của giấc ngủ”. Một người sẽ cảm thấy cơ thể khỏe khoắn nếu ngủ đúng chu kỳ này, kể cả khi họ ngủ không đủ thời gian
Thời gian ngủ = Thời gian vào giấc ngủ + N, với N là bội số của chu kỳ giấc ngủ.
Ví dụ trận đá banh kéo dài đến 2 giờ sáng thì xong nhưng 7 giờ 30 bạn phải đi làm việc. Và bạn thường mất khoảng 30 phút để ngủ. Như vậy, thời gian ngủ tối đa sau đó sẽ là 30 phút + 270 phút = 300 phút, tức 5 giờ đồng hồ.
Như vậy, bạn có thể đặt chuông báo thức vào lúc 7h, để có thể thức dậy trong trạng thái khỏe khoắn. Tương ứng, nếu bạn phải đi làm vào lúc 6h30, bạn chỉ nên ngủ đến 5h30.
Đó là nguyên tắc về giấc ngủ, chúng ta còn có một số nguyên tắc khác, như tránh dùng caffein và đồ uống có cồn khi thức xem thể thao. Nó có thể giúp tỉnh táo nhất thời, nhưng lại làm rối loạn giấc ngủ sau đó.
Chúng ta cũng không nên ăn no trong quá trình thức, vì có thể dẫn đến trào ngược khi đi ngủ lại. Coi thể thao xong, bạn cũng cần tránh những yếu tố kích thích như ánh sáng xanh của màn hình điện thoại để dễ ngủ hơn.
Sau một đêm thức khuya, thiếu ngủ như vậy, chúng ta nên nghĩ đến việc ngủ bù, nghỉ ngơi phù hợp để cơ thể phục hồi tốt. Lời khuyên là đừng chơi thể thao khi cơ thể chưa sẵn sàng.
Nếu cảm thấy đủ sức, người chơi vẫn cần khởi động thật kỹ, tập luyện với cường độ tăng dần chậm, giảm bớt số lượng bài tập và bổ sung đầy đủ nước.