Hãng thông tấn Nga RIA dẫn thông báo hôm 12-8 của Bộ Quốc phòng Nga cho biết cơ quan này tiếp tục gửi thêm viện binh, đạn dược, tăng cường hậu cần cho các binh sĩ ở vùng Kursk.
Nga tăng cường viện binh
“Chúng tôi triển khai bơm thêm nhiên liệu bằng xe bồn (xe tiếp nhiên liệu) ở các điểm tiếp nhiên liệu cho các phương tiện ở khu vực chiến sự suốt ngày đêm”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong thông báo hôm 12-8.
Quân đội Nga cũng gửi thêm các phương tiện bánh xích lớn đến vùng giao tranh.
Song song với việc tiếp thêm nhiên liệu, thiết bị quân sự, các chuyên gia hậu cần của Quân khu phía Bắc cũng mở thêm các trạm cung cấp thực phẩm và bếp ăn dã chiến tại các khu vực tập trung binh sĩ.
Ngày 6-8, quân đội Ukraine bất ngờ phục kích và không kích vào khu vực biên giới ở vùng Kursk. Ngày 12-8, Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrsky tuyên bố khoảng 1.000km2 lãnh thổ Nga hiện nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.
Trả lời tờ New York Times mới đây, cựu đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan nói Ukraine đã vượt qua “lằn ranh đỏ” khi tấn công vùng Kursk.
Theo RIA, nhà ngoại giao này tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ “hành động dứt khoát”, đẩy lùi Kiev ra khỏi lãnh thổ Nga.
Cuộc giao tranh dần lan rộng ra những khu vực xung quanh vùng Kursk như vùng Belgorod hay vùng Sumy, miền bắc Ukraine.
Rạng sáng 13-8, chính quyền thành phố Sumy do Nga bổ nhiệm thông báo một số cơ sở hạ tầng nằm trên địa bàn thành phố bị quân đội Ukraine tấn công dữ dội.
Cũng trong sáng sớm 13-8, cảnh báo tên lửa vang lên khắp khu vực Belgorod, giáp vùng Kursk, và là một trong những mục tiêu thường xuyên hứng chịu các đòn không kích từ phía Kiev.
Ukraine chờ đợi cái “gật đầu” từ phương Tây
Theo báo Telegraph (Anh), Tổng thống Volodymyr Zelensky đang gây sức ép lên Anh để phía London cho phép Kiev tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga bằng tên lửa.
Tổng thống Zelensky cho biết ông đã chỉ thị các quan chức quốc phòng và nhà ngoại giao nước này lên danh sách “những hành động cần thiết để xin phép các đối tác phương Tây chấp nhận để Kiev sử dụng vũ khí tầm xa, nhằm bảo vệ lãnh thổ Ukraine”.
Cho đến nay, Chính phủ Anh vẫn chưa chấp thuận cho Ukraine sử dụng tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow để tấn công vùng Kursk.
Hơn nữa, việc cho phép Kiev sử dụng tên lửa Storm Shadow tấn công Nga còn phụ thuộc vào quyết định của phía Paris bởi tên lửa này là sản phẩm chung của Anh và Pháp.
“Và sẽ không có gì thay đổi cả”, một nguồn tin của Chính phủ Anh trả lời tờ Telegraph khi được hỏi về khả năng London cho phép Kiev tấn công Nga bằng tên lửa Storm Shadow.
Ông Hamish de Bretton-Gordon, một cựu chỉ huy người Anh, tiết lộ tên lửa Storm Shadow có thể tấn công các đầu mối đường sắt và các tuyến đường chính dẫn vào vùng Kursk, cũng như các sân bay nằm trong phạm vi gần 161km.
Song song, phía Ukraine cũng liên tục yêu cầu Washington cho phép nước này sử dụng hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) để tấn công vùng Kursk.
Theo Hãng thông tấn RIA, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel hôm 12-8 bất ngờ đề cập đến việc Washington đang thảo luận riêng với Ukraine về khả năng sử dụng tên lửa ATACMS tấn công các căn cứ quân sự nằm trong lãnh thổ Nga.
Trước đó vào giữa tháng 7, phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết Mỹ không đồng ý cho Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Trong khi đó, Hãng thông tấn Ukraine Ukrinform dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức Arno Kollatz cho biết kể từ thời điểm chuyển giao, các vũ khí Berlin gửi đến Kiev trở thành tài sản của Ukraine, và Ukraine có thể sử dụng theo nhu cầu.