Chính giữa sông là bãi bồi Long Hội. Ốc đảo được phù sa sông mẹ bồi đắp nên cây cối tốt tươi, đẹp như tranh vẽ với những ruộng hoa màu và bãi thảo nguyên rộng thênh thang cho đàn bò gặm cỏ.
3B ở bãi bồi Long Hội
Từ phía Gò Nổi, men theo con đường đất với hai bên rợp màu xanh của cây trái, hoa màu, chúng tôi tìm về bãi bồi Long Hội. Nhìn từ trên cao, một khung cảnh kỳ vĩ không kém phần thơ mộng của cánh đồng hoa màu, rau quả mênh mông bát ngát rợp màu xanh ngắt của dòng Thu Bồn hiền hòa.
Thiên nhiên đã kiến tạo biến nơi đây thành một thảo nguyên, bãi bồi để người dân trồng trọt, chăn nuôi bò. Những trang trại trên thảo nguyên rộng mênh mông với hàng nghìn con bò được nuôi thả. Chiều, thảo nguyên nhìn từ trên cao với đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ, thi thoảng nghe tiếng rống của chúng âm vang.
Long Hội như là vùng đất, là ngôi nhà thứ hai của những nông dân chất phác, chân lấm tay bùn. Bởi hầu hết nhà cửa ở phía bên kia sông thuộc thôn Kỳ Bì, xã Điện Thọ. Hằng ngày họ qua bên này sông trồng trọt, nuôi bò, cách duy nhất là chèo ghe.
“Người ta ví von Long Hội là đảo 3B. Bởi trên bãi bồi này có hàng chục trang trại nuôi bò 3B” – ông Mai Năng B, 56 tuổi, một nông dân có cái tên hơi ngộ suốt 40 năm bám bãi bồi Long Hội trồng trọt, chăn nuôi, giải đáp. “Ngoài bãi bồi của những ruộng cây trái, hoa màu thì Long Hội còn là thảo nguyên bò thả nhiều vô kể”, ông B nói thêm.
Ông kể rằng gia đình mình bám bãi bồi Long Hội hàng chục năm nay để sinh nhai và thuê hơn 1ha đất bãi bồi trồng hoa màu, nuôi bò. Tùy mùa mà trồng đủ loại cây, từ bắp, đậu, ớt rồi đến dưa hấu. Ông còn dựng lên hai chuồng trại để nuôi hơn chục con bò 3B. Mỗi ngày hai vợ chồng chèo ghe từ bên này sông qua bãi bồi quần quật với trang trại.
“Nuôi bò sinh trưởng tốt, là loại bò xuất bán thịt, nuôi chừng 15 tháng là có thể xuất bán. Với nghề trồng trọt, chăn nuôi, bình quân mỗi tháng gia đình kiếm mười mấy triệu, thế mà sướng, thong thả, không phải lệ thuộc vào ai hết”, ông B nói.
Cũng chính vì Long Hội được phù sa sông mẹ bồi đắp hằng năm mà nơi đây có những đồng cỏ voi, cỏ tía tốt tươi, là nguồn thức ăn khoái khẩu cho bò. Ông B nói rằng ở bãi bồi này có hộ làm trang trại nuôi bò kiểu công nghiệp với hàng chục, hàng trăm con, có người thu hàng trăm triệu, tiền tỉ.
Ba chục năm gắn bó ở bãi bồi Long Hội từ thời trai trẻ, ông Nguyễn Thanh Hoàng (54 tuổi) giờ đây nói rằng ốc đảo này như ngôi nhà thứ hai của mình. Ngoài trồng các loại cây hoa màu như dưa hấu, đậu, ớt, ông còn trồng thêm cỏ voi, cỏ tía, bắp để nuôi 13 con bò 3B.
“Mình mua bò giống từ 10-15 triệu đồng mỗi con, nuôi chừng một năm rưỡi thì xuất bán được với giá 40-45 triệu đồng. Lúc trước còn khỏe, hai vợ chồng có năm nuôi vài chục con. Ngoài nuôi bò xuất bán thịt thì gia đình ông còn nuôi bò cái để đẻ. Nhẩm tính mỗi năm quần quật ở bãi bồi, gia đình kiếm chừng 200-300 triệu đồng”, ông Hoàng bộc bạch.
Người dân ở bãi bồi Long Hội kể rằng nuôi bò ở đây cũng lắm vất vả, nhất là vào mùa mưa lũ. Những khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về, bãi bồi ngập chìm trong biển nước, nhất là những đêm hôm, dân làng thức trắng đêm đưa đàn bò đến nơi cao tránh lũ.
Nhưng bù lại, mỗi mùa lũ qua, phù sa bồi đắp thêm, hoa màu được bón thêm dinh dưỡng. Đồng cỏ thêm xanh ngắt, đàn bò thỏa thích tận hưởng cỏ non xanh rờn.
Xanh mướt nhờ phù sa sông mẹ bồi đắp
Ốc đảo Long Hội đâu chỉ có thảo nguyên bò mà còn là bãi bồi của bạt ngàn ruộng hoa màu. Nhìn từ trên cao, ốc đảo trải thảm xanh ngắt của dưa hấu, bắp, đậu, ớt nhờ tạo hóa thiên nhiên đã ban tặng cho con người ở vùng đất này. Đất tốt tươi do sông Thu Bồn bồi đắp phù sa sau những đợt mưa lũ.
Ông Nguyễn Đức Công – 58 tuổi, một nông dân chính hiệu ở bãi bồi này với hàng chục năm canh tác – kể rằng chỉ trừ những tháng mưa lũ, còn quanh năm người dân canh tác, trồng trọt bãi bồi, đó là vùng đất của kế sinh nhai.
“Đến mùa mưa ốc đảo chìm trong nước lũ. Nhưng cũng chính vì thế mà được phù sa sông mẹ bồi đắp để hoa màu tốt tươi”, ông Công tâm sự.
Từ thời cha ông của những nông dân này canh tác đơn giản bởi chưa có phương tiện máy móc hiện đại, tất cả chỉ dùng bằng sức người. “Thời đó người ta gánh nước để tưới cây chứ không có máy bơm như bây giờ, cày ruộng bằng trâu cày. Giờ đây làm nông đã nhẹ nhàng hơn nhờ máy móc hiện đại”, ông Công kể.
Ông nói rằng sau những đợt lũ thì phải chờ đến sau 23-10 âm lịch nông dân mới gieo trồng cho vụ mới. Đất tốt, lại có nguồn nước tưới dồi dào của sông nên Long Hội từ lâu cũng nổi danh với trái dưa hấu, loại dưa xuất khẩu với trọng lượng 4-5kg trở lên. “Nông dân đầu tư thêm hệ thống tưới nhỏ giọt nên đỡ tốn công tưới. Bình quân một sào thu được khoảng 1,5 tấn dưa hấu”, ông Công kể.
Ngoài dưa hấu, bắp cũng là cây trồng chủ lực ở bãi bồi này. Người ta trồng quanh năm, không chỉ lấy trái mà thân, lá cũng là nguồn thức ăn khoái khẩu của bò. Làm nông cực, người ta nói “gốc làm nông lấy công làm lời”.
Nhẩm đi nhẩm lại, bình quân mỗi tháng gia đình ông Công kiếm chừng mười mấy triệu đồng. “Cũng đủ trang trải cuộc sống nhưng cái được là nông dân cảm thấy dễ chịu bởi quanh năm sống ở bãi bồi cây trái xanh ngắt, khí hậu mát mẻ”, ông Công bộc bạch.
Mỗi mùa thu hoạch cây trồng, thương lái khắp nơi đổ xô đến Long Hội, nơi đây trở thành chợ nông sản, tiếng người rộn vang cả khúc sông Thu Bồn.
Ngoài nuôi bò 3B, ở thảo nguyên Long Hội, nông dân cũng nuôi các loại bò thường. Ông Công kể do nguồn cỏ ở Long Hội dồi dào, tự nhiên nên thịt bò, bê ở đây có vị ngọt đặc trưng.
Nơi này cũng là vựa bò để cung cấp cho các lò bê thui Cầu Mống ở xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, một thương hiệu và là món ăn nức tiếng xứ Quảng, được công nhận kỷ lục quốc gia về top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Dân Quảng hay nói với khách đến Quảng Nam mà chưa ăn bê thui, bò tái Cầu Mống thì coi như chưa đến xứ Quảng.
Ngoài loại bê ăn cỏ xanh tốt ở bãi bồi sông Thu Bồn, bê thui Cầu Mống còn được thui bởi loại cỏ dâu ở hai bên bờ sông này nên miếng thịt thơm ngọt. Điều đặc biệt là thịt bê thui ngon có màu đỏ hồng nhưng không sống, da vàng rộm mà không khô, không dai và không bị ám khói.
*****************
Nép mình bên dòng Trường Giang thơ mộng là ngôi làng Trà Đóa nổi danh với một loại nông sản rất đỗi thân quen với mọi làng quê: khoai lang Trà Đỏa.
Kỳ tới: Từ làng khoai danh tiếng đến cánh đồng ngát hương