Rủi ro lớn dần hạ nhiệt, thị trường chứng khoán sẽ ra sao sau phiên đột biến?

Thanh khoản chứng khoán đã cải thiện tốt hơn trong phiên cuối tuần trước – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Rủi ro lớn liên quan đến thị trường chứng khoán đã hạ nhiệt

* Ông Đoàn Minh Tuấn – trưởng phòng nghiên cứu và phân tích FIDT:

– Thị trường chung chứng kiến một phiên bùng nổ vào cuối tuần. Đây là phiên được đánh giá quan trọng trong việc định hình xu hướng hồi phục VN-Index, là tín hiệu tạo đáy rõ ràng nhất (vùng 1.180 – 1.220).

Giai đoạn sắp tới, thị trường chung có thể không thay đổi quá nhiều về mặt điểm số (vùng mục tiêu 1.280 – 1.300). Tuy nhiên, điều kiện đầu tư trên thị trường dự kiến sẽ rất tốt cho các cổ phiếu tốt phục hồi đà giảm sâu trước đó.

Ở kịch bản cơ sở với xác suất cao, VN-Index tạo đáy thành công tại khu vực hỗ trợ 1.180 – 1.220. Tỉ trọng cổ phiếu hợp lý: 70 – 80%.

Các rủi ro lớn liên quan đến thị trường chứng khoán toàn cầu hay rủi ro tỉ giá – rủi ro riêng trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã dần hạ nhiệt, sau khi phản ánh trong nhịp điều chỉnh sâu của đa số cổ phiếu thời gian qua.

Vùng 1.230 – 1.250 sẽ đóng vai trò hỗ trợ tương đối vững chắc cho thị trường chung sắp tới. Tôi cho rằng vùng này sẽ là thời điểm mua hợp lý của thị trường trong các nhịp điều chỉnh.

Các dòng cổ phiếu thu hút dòng tiền đầu tư sắp tới tiếp tục liên quan đến các chính sách, như xu hướng phục hồi của thị trường bất động sản sau suy thoái 2022 – 2023, liên quan bộ ba luật về bất động sản sửa đổi.

Xu hướng thị trường chứng khoán nâng hạng cuối quý 3-2024 khi Chính phủ ráo riết thông qua cơ chế quan trọng non-prefunding (không cần phải ký quỹ đủ trước khi giao dịch).

Ngoài ra còn xu hướng đẩy mạnh đầu tư công, theo chính sách đầu tư công trọng tâm của Chính phủ kéo dài 2024 – 2025…

Dòng tiền sẽ phục hồi?

* Ông Nguyễn Thế Minh – giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân Chứng khoán Yuanta Việt Nam:

– Sau nhịp giằng co, thị trường Việt Nam đã hồi phục và xác lập xu hướng tăng mới. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng đã có sự nổi lên, trong khi nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trong một vài phiên gần đây.

Kỳ vọng dòng tiền sẽ tiếp tục lan tỏa đồng đều giữa các nhóm cổ phiếu và đặc biệt thanh khoản sẽ khôi phục trong giai đoạn từ giờ đến cuối năm.

Tất nhiên sau khi đã trở lại với xu hướng tăng, thị trường sẽ cũng khó tránh áp lực chốt lời nhẹ đầu tuần tới. Tuy nhiên sẽ khó ảnh hưởng một cách đáng kể lên chỉ số.

Sau mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2-2024 và các số liệu vĩ mô gần đây, khả năng vượt 1.300 điểm vẫn có cơ sở.

Yếu tố tâm lý có thể tạo ra rung lắc khi hướng đến vùng 1.300 điểm, tuy nhiên tôi vẫn giữ nguyên dự báo VN-Index có thể hướng đến vùng 1.350 – 1.400 điểm trong năm nay.

Ngân hàng, chứng khoán, vận tải, công nghệ, dầu khí, bán lẻ và hóa chất là nhóm cổ phiếu được chú ý. Với bất động sản, mặc dù đã có sự hồi phục mạnh mẽ tuần qua nhưng khó có thể đi nhanh do thị trường vẫn nhiều khó khăn.

* Ông Đinh Quang Hinh – trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường Chứng khoán VNDirect:

– Nhiều thông tin hỗ trợ xuất hiện trong tuần qua đã giúp tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường chứng khoán cải thiện tích cực.

Đà tăng ấn tượng của thị trường chứng khoán toàn cầu gần như xóa sạch mức giảm của phiên “thứ 2 đen tối” vào ngày 5-8 trước đó, khi các số liệu kinh tế mới đây tại Mỹ đã đẩy lùi những lo ngại gần đây của thị trường về kịch bản “hạ cánh cứng” của nền kinh tế Mỹ.

Trong nước, thị trường chứng kiến tỉ giá USD/VND tiếp tục hạ nhiệt và lùi dần về sát mức 25.000 đồng. Đồng thời lợi suất trái phiếu Chính phủ và lãi suất liên ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm so tuần trước đó.

Chuyển biến tích cực này đã cải thiện tâm lý của nhà đầu tư trong nước, thúc đẩy dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán với thanh khoản trong phiên cuối tuần vượt tỉ USD, tăng gần 50% so với mức trung bình 20 phiên.

VN-Index cũng đã chính thức vượt qua kháng cự 1.230 điểm để thiết lập xu hướng vận động đi lên tích cực hơn.

Bước sang tuần tới, rung lắc có thể sớm xuất hiện khi chỉ số tiến tới cản mạnh tại vùng 1.260 điểm.

Do đó, những nhà đầu tư “lỡ sóng” không nên vội vàng mua vào khi chỉ số đang tiến tới kháng cự mạnh, mà cần kiên nhẫn chờ đợi những nhịp rung lắc để canh mua vào với giá vốn tốt hơn.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *