Ngày 19-8, Tòa án nhân dân TP Cần Thơ tiếp tục ngày xét xử thứ 2 vụ gây thiệt hại cho Agribank Cần Thơ hơn 291 tỉ đồng trong vụ án “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Bị hại nói chưa thấy thiệt hại
Các bị cáo gồm Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân – giám đốc Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam, Phạm Tường Thi – giám đốc Công ty TNHH Tân Tiến, Nguyễn Văn Đạt – nhân viên Công ty TNHH Tân Tiến, Lê Thanh Hải – nguyên giám đốc Agribank Cần Thơ, Trần Huy Liệu – nguyên phó giám đốc Agribank Cần Thơ và Bùi Tuấn Anh – nguyên trưởng phòng tín dụng Agribank Cần Thơ.
Phiên tòa hôm nay diễn ra phần xét hỏi, các luật sư đã đặt ra nhiều câu hỏi cho phía bị hại là đại diện Agribank Việt Nam. Đại diện Agribank khẳng định đến thời điểm này chưa xác định thiệt hại liên quan đến các hợp đồng tín dụng.
Agribank Việt Nam cho biết giữa ngân hàng và bị cáo Nhân có ký 2 hợp đồng. Cả hai hợp đồng có thời hạn là 10 năm.
“Các hợp đồng này đang thực hiện được vài năm thì cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Đến thời điểm này, ngân hàng chưa xác định thiệt hại liên quan đến các hợp đồng tín dụng trên. Khi chúng tôi đang tiến hành thủ tục khởi kiện, thu hồi nợ tại tòa án quận Ninh Kiều thì tài sản đảm bảo đã bị cơ quan điều tra phong tỏa”, đại diện Agribank Việt Nam cho hay.
Phủ nhận cáo trạng quy kết vi phạm khi không có tài sản đảm bảo cho khoản vay, Công ty Tây Nam không có hợp đồng mua bán hàng nông thủy sản. Bị cáo Nhân, Hải cho rằng theo Ngân hàng Nhà nước, gói cho vay theo Nghị định 63 của Chính phủ không cần phải có tài sản đảm bảo. Gói tín dụng này được đảm bảo bằng tài sản hình thành trong tương lai.
“Dự án đang thực hiện thì cơ quan điều tra khởi tố. Vì vậy thì làm sao có hợp đồng tiêu thụ nông thủy sản như cáo trạng quy kết”, ông Nhân trình bày.
Kiến nghị xem xét tính pháp lý thẩm định tài sản
Bị cáo Nhân kiến nghị tòa xem xét tính pháp lý của kết quả thẩm định giá, có vi phạm tố tụng hay không. Vì trong quá trình điều tra, cơ quan an ninh điều tra đã tự ký hợp đồng với phía Công ty thẩm định giá Cửu Long. Rồi sau đó cung cấp kết quả cho hội đồng định giá địa phương là không đúng quy định pháp luật.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn Kịch – cha bị cáo Nhân cũng kiến nghị tòa xem xét tương tự. Theo luật sư Nghiêm, kết luận định giá của 5 hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự của vụ án là không khách quan, không phù hợp với giá thị trường.
Bởi các kết luận thẩm định giá nói trên đã vi phạm các điều khoản của Nghị định 26/2005, 30/2018 của Chính phủ và thông tư 55/2006 của Bộ Tài chính về thành viên hội đồng, thẩm quyền lập hội đồng định giá tài sản tố tụng.
“Tại khoản 4, Điều 101, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định về kết luận định giá tài sản có nêu kết luận định giá của hội đồng định giá tài sản vi phạm quy định của bộ luật này, quy định khác của pháp luật về định giá thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án.
Các kết luận định giá đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng thì không thể có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án”, luật sư Nghiêm kiến nghị.
Phiên tòa tiếp tục diễn ra vào chiều ngày 20-8.