Ngày 20-8, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho hay Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa có buổi làm việc với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các sở ngành và địa phương liên quan để chỉ đạo tiếp tục xử lý các nội dung liên quan đến đàn bò sữa chết sau khi tiêm vắc xin.
Theo đó các đàn bò ở tỉnh này đã tiêm vắc xin NAVET-LPVAC phòng bệnh viêm da nổi cục của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Công ty Navetco).
Phải khẳng định nguyên nhân dẫn đến bò sữa bệnh, chết hàng loạt
Tình trạng bò sữa ở tỉnh Lâm Đồng đổ bệnh tiêu chảy rồi chết hàng loạt sau khi tiêm vắc xin NAVET-LPVAC phòng bệnh viêm da nổi cục của Công ty Navetco xảy ra đến nay đã 1 tháng.
Tính đến 16h ngày 19-8, toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 6.400 con bò bệnh, trong đó có 348 con chết, 718 con hồi phục.
Theo kết luận ban đầu của Cục Thú y, nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa của Lâm Đồng là do nhiễm Pestivirus tauri (BVDV type 2) sau khi tiêm vắc xin NAVET-LPVAC.
Trước sự lo lắng, bức xúc của người dân nuôi bò sữa, chiều 19-8, Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức cuộc họp đã nêu để chỉ đạo tiếp tục triển khai các công tác khẩn trương để xử lý, sớm ổn định tình hình chăn nuôi bò sữa trên địa bàn.
Kết luận buổi làm việc này, ông Nguyễn Thái Học – quyền bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng – yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện 4 nội dung.
Thứ nhất, đánh giá sát tình hình bò bệnh chết sau khi tiêm vắc xin thế nào vì đến nay tình trạng bò bệnh chết đã lan sang 5 huyện của Lâm Đồng.
Thứ hai, UBND tỉnh Lâm Đồng phải có văn bản kết luận rõ nguyên nhân bò chết là do quá trình tiêm vắc xin NAVET-LPVAC của Công ty Navetco, theo văn bản của Cục Thú y.
Đơn vị sản xuất, cung ứng vắc xin phải có trách nhiệm bồi thường cho dân
Thứ ba, tiếp tục huy động tổng lực để cứu đàn bò, triển khai phương án phù hợp để điều trị cho đàn bò. Tiếp tục cách ly bò bệnh để điều trị, chăm sóc, giảm nguy cơ bò chết; đồng thời có phương án tập hợp bò có tình trạng bệnh nặng, nguy cơ chết cao về địa điểm tập trung để cứu chữa.
Các địa phương cần tích cực sử dụng phác đồ được công bố trong quá trình điều trị; phổ biến rộng rãi phác đồ này đến từng hộ chăn nuôi bò sữa, kể cả những nơi chưa xảy ra bệnh để triển khai thực hiện và có phương án chuẩn bị, không để bị động, bất ngờ.
Thứ tư, đánh giá cụ thể tình hình từng hộ chăn nuôi và từng loại, tình trạng bò chết để xây dựng kế hoạch, phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại.
Căn cứ kết luận nguyên nhân gây bệnh (sau khi được công bố chính thức), xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc bồi thường, hỗ trợ.
Ông Học kết luận rằng đã xác định nguyên nhân bò chết là do tiêm vắc xin của Công ty Navetco, trong vắc xin đó có vi khuẩn gây bệnh thì đơn vị sản xuất, cung ứng loại vắc xin phải có trách nhiệm bồi thường cho dân, không để nông dân nuôi bò sữa bị thiệt thòi.
Làm rõ quy trình đấu thầu vắc xin NAVET-LPVAC
Đối với các vấn đề về vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục NAVET-LPVAC, ông Nguyễn Thái Học đề nghị làm rõ quy trình đấu thầu; quá trình giao nhận và bảo quản, các quy trình, hướng dẫn sử dụng và các vấn đề liên quan khác về việc lần đầu tiên sử dụng chủng loại vắc xin này để tiêm cho đàn bò trên địa bàn.