Bí thư Thành ủy TP.HCM: Đề xuất sửa đổi quy định sử dụng tài sản công khi sắp xếp đơn vị hành chính

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì cuộc họp – Ảnh: T.T.

Chiều 20-8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023 – 2030.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP hoan nghênh tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên ban chỉ đạo, của UBND TP và các đơn vị đã hoàn chỉnh các dự thảo theo đúng quy định.

Theo ông Nên, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn diễn ra trong thời điểm TP triển khai nhiều vấn đề lớn của TP và đất nước. Do vậy, cần có sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai các nhiệm vụ, “ăn khớp” trong từng việc cụ thể.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả, theo đúng tinh thần chỉ đạo, cần phải tiếp tục truyền thông rộng rãi đến nhân dân. Đây là công việc không mới nhưng luôn là công việc nhạy cảm, tác động đến các cơ quan tổ chức trong hệ thống.

Đồng thời ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý, đời sống, sinh hoạt của người dân, đội ngũ công chức viên chức người lao động.

Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị Ban điều hành chỉ đạo tổ giúp việc khẩn trương hoàn thiện các nội dung như đề án sắp xếp để trình cấp có thẩm quyền.

Song song đó, chủ động nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản có tính chất quy phạm pháp luật, nghị định của Chính phủ về sắp xếp sử dụng tài sản công.

Cần thiết nghiên cứu để có quy định riêng cho TP, phân cấp, ủy quyền chặt chẽ, đừng để sau sắp xếp phát sinh vấn đề khác.

Ngoài ra, các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát như Ủy ban kiểm tra, Đảng đoàn HĐND, Đảng đoàn MTTQ phải xây dựng chương trình giám sát để lắng nghe, phản biện xã hội.

Kịp thời uốn nắn, xử lý những phát sinh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức.

Nhanh chóng lắng nghe và xử lý vướng mắc phát sinh, nhất là thủ tục hành chính, mở kênh tương tác, lắng nghe phản ánh của người dân để chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục có liên quan, không để phiền hà đến người dân.

Quyết tâm hoàn thành đề án sắp xếp trong năm 2024

Bàn về vấn đề dôi dư về cơ sở vật chất và nhân sự, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp cho rằng theo đề án, giải quyết về dôi dư cơ sở vật chất là 3 năm, trong khi nhân sự là 5 năm.

Ông đề nghị giải quyết 2 vấn đề dôi dư trong 3 năm, điều đó cho thấy TP “chuẩn bị chính sách thật tốt, và giải quyết an tâm tư tưởng thật sớm”.

Về số cán bộ dôi dư, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết tại 80 phường phải sắp xếp có 2.469 cán bộ. UBND TP đã có phương án sử dụng 1.741 người sau sắp xếp, còn dôi dư 728 người phải sắp xếp.

TP sẽ sắp xếp theo lộ trình giảm dần chứ không giảm ngay đối với cán bộ dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại địa bàn. “Người nào đủ điều kiện, có khả năng làm việc được thì chúng ta làm ở địa phương, người nào ở lại được, làm đến về hưu thì mình tiếp tục vận dụng. Trường hợp không bố trí được việc khác thì sẽ có cơ chế, chính sách cho những người này”.

Nói về tác động của việc sắp xếp, lãnh đạo UBND TP khẳng định TP sẽ có hướng dẫn để xử lý chuyển tiếp các trường hợp có điều chỉnh hồ sơ. Trong đó sẽ có loại thì do cơ quan nhà nước tự điều chỉnh.

“Khi người dân có nhu cầu giao dịch, TP sẽ hỗ trợ điều chỉnh luôn chứ không yêu cầu người dân phải đi chuyển đổi. TP.HCM sẽ không thu phí việc chuyển đổi giấy tờ”, ông Hoan khẳng định và cho biết UBND TP sẽ quyết tâm hoàn thành đề án sắp xếp trong năm 2024 để đầu năm sau toàn bộ các phường vận hành theo địa giới hành chính mới.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *